I. Một số quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông:
Theo quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/4/2020) quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì Cát, sỏi lòng sông là cát, cuội, sỏi tích tụ ở lòng suối, lòng sông, bãi bồi, thềm sông từ thượng lưu cho đến cửa sông; tích tụ ở lòng hồ và cửa sông, theo đó các nội dung giấy phép khai thác cát, sỏi được quy định tại Điều 9 của Nghị đinh là: Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Khoáng sản, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn quy định các nội dung sau đây:
1. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép khai thác:
a) Xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông;
b) Tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi và yêu cầu về đăng ký theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, pháp luật liên quan; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi;
c) Yêu cầu trong việc ký hợp đồng vận chuyển với các chủ phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác không trực tiếp vận chuyển cát, sỏi sau khai thác;
d) Yêu cầu việc lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi;
đ) Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp các giấy phép khai thác cát sỏi đã được cấp trước khi Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này.
Đối với các bên bãi tập kết cát sỏi lòng sông, tại Điều 10 của Nghị định này Quy định:
1. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết cát, sỏi lòng sông sau khai thác tại các bến, bãi phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
b) Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều.
c) Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.
2. Trường hợp không sử dụng bến, bãi, tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải ký hợp đồng vận chuyển với tổ chức, cá nhân có phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 11 Nghị định này.
Đối với việc kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, theo Điều 12 của Nghị định này quy định:
1. Cát, sỏi lòng sông được tổ chức, cá nhân kinh doanh phải là cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
2. Trong quá trình vận chuyển cát, sỏi trên sông, chủ phương tiện phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của cát, sỏi là hợp pháp; thông tin, dữ liệu, sổ sách, chứng từ về khối lượng cát, sỏi đang vận chuyển; bên bán phải xuất hóa đơn cho bên mua theo quy định của pháp luật.
3. Mọi hành vi buôn bán, kinh doanh cát, sỏi lòng sông không có nguồn gốc hợp pháp được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan.
4. Không sử dụng cát, sỏi lòng sông có đủ chất lượng làm cát, sỏi xây dựng dùng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng.
5. Việc kinh doanh, tập kết và vận chuyển cát, sỏi lòng sông phải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, nghiêm cấm sử dụng xe quá tải trọng đi trên đê.
II. Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và hồ
Tại khoản 2, Điều 13 về khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông quy định: Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau đây được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông:
a) Khu vực đang bị sạt, lở;
b) Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở;
c) Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở;
d) Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Bên cạnh đó Nghị định cũng nêu ra một số nội dung yêu cầu bảo vệ cụ thể:
- Tại Điều 14 về yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông
Dự án của tổ chức, cá nhân có các hoạt động quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định này phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống lũ, đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.
2. Phù hợp với các quy định về hành lang thoát lũ, xả lũ của các hồ chứa, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, các công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và công trình hạ tầng khác, trừ trường hợp xử lý khẩn cấp; phù hợp với các yêu cầu về bảo tồn văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên; bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ nguồn nước.
3. Bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không làm suy giảm khả năng thoát lũ dẫn đến gây ngập úng bãi, vùng đất ven sông, gây sạt lở bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; không làm suy giảm mực nước sông trong mùa cạn gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sử dụng nước trên sông.
4. Không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước.
5. Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông.
6. Tuân thủ các quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
- Tại Điều 15 về yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông
1. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi ở lòng sông:
a) Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định;
b) Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định;
c) Trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi, lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi, lắng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông.
2. Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi trên bãi sông:
a) Cao độ đáy khu vực khai thác không vượt quá cao độ ứng với mực nước trung bình mùa cạn tại khu vực khai thác, trừ trường hợp kết hợp với việc khơi thông dòng chảy, tăng cường khả năng thoát lũ của đoạn sông;
b) Trường hợp đối với bãi nổi bán ngập, bãi hình thành theo mùa, bãi mới hình thành thì căn cứ tình hình thực thực tế, yêu cầu về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định cụ thể về phạm vi, độ sâu khu vực khai thác.
3. Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trường hợp không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung vào khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định này.
Việc khai thác cát, sỏi tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ môi trường hồ chứa, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định tại Điều 14 Nghị định này, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Phù hợp với các quy định về hành lang bảo vệ hồ chứa, bảo vệ công trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập, hồ chứa và các hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa.
2. Chỉ được phép khai thác phần trữ lượng do bồi lắng và phải gắn với yêu cầu nạo vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ.
3. Không gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của hồ chứa và không làm suy giảm chức năng, nhiệm vụ của hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Toàn văn Nghị định được đăng tải trên Wepsite của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: http://pclb.thuathienhue.gov.vn, phần Văn bản QPPL..