Theo đó, để tăng cường hiệu quả thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính, tránh những tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, kể cả hệ thống Biểu mẫu kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Chấn chỉnh tình trạng sử dụng mẫu biên bản, quyết định về xử lý vi phạm hành chính không đúng quy định. Theo đó, phải áp dụng thống nhất, ghi đầy đủ các nội dung có liên quan trong mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
c) Chấn chỉnh tình trạng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, không đúng số tiền của khung tiền phạt. Theo đó, khi ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu, đúng nguyên tắc, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).
- Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giao cho cấp phó thực hiện xử phạt vi phạm hành chính thì phải ban hành văn bản giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Khi thực hiện hình thức xử phạt là phạt tiền, cần thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
d) Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì phải ghi quyền giải trình của cá nhân, tổ chức theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
đ) Áp dụng đúng và đầy đủ các chế tài mà Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đã quy định đối với hành vi vi phạm hành chính gồm: hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và các hình thức xử phạt bổ sung); biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm.
e) Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức cố tình bao che những trường hợp vi phạm hành chính, phát hiện vi phạm hành chính nhưng không xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
g) Thực hiện nghiêm túc việc lập, gửi hồ sơ và lưu trữ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ; đặc biệt là các phiếu giao, nhận hồ sơ, tài liệu về xử lý vi phạm hành chính.
h) Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (thay thế Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ Tư pháp); đồng thời kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh và những kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện.
2. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp với các tổ chức thành viên hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, vận động giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.
3. Đề nghị Tòa án nhân dân huyện phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
4. Giao trách nhiệm Phòng Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị phản ánh trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị để báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện xem xét, giải quyết theo quy định./.