Theo đó, để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn huyện, UBND huyện Phú Lộc yêu cầu:
1. UBND các xã, thị trấn:
a) Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ - điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm để các tổ chức, hộ nuôi tôm biết và chấp hành. Không để người dân vi phạm các quy định của Pháp luật về nuôi trồng thủy sản, nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
b) Tập trung chỉ đạo các Hợp tác xã nông - ngư, các Chi hội Nghề cá đầm phá tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, gồm:
- Không tuân thủ quy định về sử dụng đất, vi phạm điểm a, khoản 1 điều 38 Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017.
- Không đăng ký nuôi thủy sản lồng, bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21/11/2017.
- Không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất hoặc trang thiết bị kỹ thuật, vi phạm quy định tại Điều 34 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ.
c) Tiếp tục rà soát hồ sơ, tổ chức cưỡng chế những trường hợp tái vi phạm, không chấp hành trả lại hiện trạng ban đầu của thửa đất; những ao hồ vi phạm đã ngừng nuôi, bỏ hoang yêu cầu hộ nuôi chấp hành tháo dỡ, khôi phục hiện trạng ban đầu, cam kết không được tiếp tục thả nuôi nhằm thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật.
d) Địa phương nào buông lỏng quản lý, để xảy ra trường hợp vi phạm, tái phạm thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
2. Phòng Nông nghiệp và PTNT:
a) Phối hợp với Chi cục Thủy sản kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nghiệp vụ cho UBND các xã, thị trấn trong công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm bảo đảm theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nuôi đảm bảo quy trình kỹ thuật.
b) Củng cố Đoàn kiểm tra và xây dựng Kế hoạch kiểm tra tình hình vi phạm về khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
c) Báo cáo định kỳ hàng tuần và tham mưu UBND huyện các biện pháp chỉ đạo, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường:
Tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân xây dựng ao hồ nuôi thủy sản ven biển và đầm phá sử dụng đất sai mục đích vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh tăng cường kiểm tra tình hình chấp hành xử lý nước thải nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh theo cam kết bảo vệ môi trường của các hộ nuôi hoặc theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện:
Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các quy định về nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá, ven biển bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ và chấp hành.
UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này./.