Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 01/2015
Ngày cập nhật 02/01/2015

Tháng 01/2015: Nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng; Xuất nhập khẩu; Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề; Đất đai, nhà ở; Chính sách xã hội.. có hiệu lực thi hành.

▀▄ Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

TỪ 15/1/2015, PHÍ RÚT TIỀN MẶT TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC BẰNG 0,005%

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 20/11/2014 quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN.

Theo đó, từ ngày 15/01/2015, khi rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải chịu mức phí rút tiền mặt là 0,005% trên số tiền rút.

NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thu phí rút tiền mặt của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua tài khoản thanh toán tại đơn vị; hàng năm, chậm nhất ngày 15 của tháng đầu năm tiếp theo ngay sau năm báo cáo, tổng hợp số liệu thu phí rút tiền mặt trong năm báo cáo tại đơn vị, gửi về Vụ Thanh toán hoặc báo cáo theo yêu cầu của Thống đốc NHNN khi cần thiết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2015.

TỔ CHỨC SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC CHỈ ĐƯỢC DÙNG TIỀN MẶT DƯỚI 20 TRIỆU

Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 33/2014/TT-NHNN quy định một số trường hợp được thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn Nhà nước; trong đó, tổ chức sử dụng vốn Nhà nước được Thông tư này giải thích là những tổ chức có sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.

Những tổ chức này sẽ được dùng tiền mặt trong các trường hợp: Thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, sản phẩm khác cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; thanh toán công tác phí, trả lương và các khoản thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước; việc thanh toán được thực hiện tại các xã, phường, thị trấn thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng nông thôn chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán; và đặc biệt, trong trường hợp khoản thanh toán với giá trị dưới 20 triệu đồng (trừ khi các khoản thanh toán trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, một đối tượng thanh toán nhưng tổng các khoản thanh toán này lớn hơn 20 triệu đồng).

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giao dịch rút tiền mặt cho tổ chức sử dụng vốn Nhà nước trên cơ sở tổ chức đó khai báo mục đích rút tiền phù hợp với các trường hợp nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2015.

▀▄ Thuế-Phí-Lệ phí:

GIẢM GIÁ TRẦN VÉ MÁY BAY NỘI ĐỊA CÒN 4.250 ĐỒNG/HÀNH KHÁCH.KM

Từ ngày 01/01/2015, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền sẽ giảm từ 5.000 đồng/hành khách.km xuống còn 4.250 đồng/hành khách.km (giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là nội dung nổi bật tại Quyết định số 3282/QĐ-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 19/12/2014 về mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền.

Căn cứ mức trần khung giá cước nêu trên, Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn xác định mức giá vé cụ thể áp dụng thống nhất cho các hãng hàng không phù hợp với từng thời kỳ trên cơ sở chi phí vận chuyển, tình hình thị trường và sau khi tổ chức rà soát phương án giá của các hãng hàng không...

Mức giá vé tối đa vẫn được cụ thể hóa theo 05 nhóm cự ly vận chuyển như trước đây; cụ thể, nhóm 1 có cự ly dưới 500km; nhóm 2 có cự ly từ 500km đến dưới 850km; nhóm 3 có cự ly từ 850km đến dưới 1.000km; nhóm 4 có cự ly từ 1.000km đến dưới 1.280km và nhóm 5 có cự ly từ 1.280km trở lên.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2967/QĐ-BTC ngày 06/12/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

TỪ 2015, TRÚNG THƯỞNG TRONG CASINO KHÔNG PHẢI NỘP THUẾ TNCN

Theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế do Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014, thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có Giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định, có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ ngày 01/01/2015. Tương tự, thu nhập từ trúng thưởng trong casino cũng được loại bỏ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN từ ngày 01/01/2015 này.

Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi cách tính thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh; theo đó, thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh được tính theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó, thuế suất đối với lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa là 0,5%; đối với lĩnh vực dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu; cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, xổ số, bán hàng đa cấp; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu và hoạt động kinh doanh khác lần lượt là 2%; 5%; 1,5% và 1%.

Đối với thu nhập từ đầu tư vốn, bản quyền, nhượng quyền thương mại; từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, thuế suất thuế TNCN là 5%; 10%; 2% và 0,1%.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định bãi bỏ phạt chậm nộp thuế 0,07%/ngày đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. Như vậy, từ ngày 01/01/2015, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế chỉ phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

▀▄ Y tế-Sức khỏe:

NHÀ THUỐC PHẢI CÓ KHU BÀY BÁN RIÊNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Ngày 24/11/2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; không áp dụng đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ.

Tại Thông tư này, Bộ Y tế yêu cầu các loại thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có Quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế; nếu chưa có Quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Bộ Y tế trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Cơ sở sản xuất dược phẩm đã được cấp chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP) khi sản xuất thực phẩm chức năng sẽ được miễn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tại nhà thuốc, phải có khu bày bán riêng cho sản phẩm thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, việc ghi nhãn đối với các thực phẩm chức năng cũng được quy định tương đối nghiêm ngặt. Cụ thể, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu như đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, trên nhãn thực phẩm chức năng phải có công bố khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp với nội dung đã công bố và tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm.

Riêng thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải ghi cụm từ: “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác (nếu có). Cụm từ này phải có màu tương phản với màu nền của nhãn và  chiều cao chữ không được thấp hơn 1,2mm; đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn nhỏ hơn 80cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9mm. Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải ghi cụm từ: “Sản phẩm dinh dưỡng (cho đối tượng cụ thể)” trên mặt chính của nhãn để phân biệt với thực phẩm thông thường.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2015.

▀▄ Cán bộ-Công chức-Viên chức:

TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TỪ NĂM 2015

Theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 11/11/2014 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, từ ngày 01/01/2015, mức lương tối thiểu vùng sẽ dao động từ 2,15 - 3,1 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 250.000 - 400.000 đồng/tháng tùy từng khu vực.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, như các quận, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì thuộc Thành phố Hà Nội; các quận, huyện Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo thuộc Thành phố Hải Phòng; các quận, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc TP.HCM..., mức lương tối thiểu chung tăng 400.000 đồng/tháng, từ 2,7 triệu đồng/tháng lên 3,1 triệu đồng/tháng. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, III và IV, mức lương tối thiểu chung tăng khoảng 250.000 - 350.000 đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; 2,4 triệu đồng/tháng và 2,15 triệu đồng/tháng từ ngày 01/01/2015.

Các mức lương tối thiểu vùng nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường phải đảm bảo đủ thời giờ làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề.

Đặc biệt, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Nghị định này thay thế Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, từ ngày 10/01/2015, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; viên chức trong 02 năm liền kề thời điểm xét tinh giảm biên chế có 01 năm được phân loại đánh giá vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp..., nếu đủ 50 - 53 tuổi đối với nam hoặc 45 - 48 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 20 năm, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên sẽ được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Ngoài chế độ hưu trí theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức, viên chức trên còn được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ BHXH; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp ½ tháng tiền lương; đặc biệt, sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ việc trước tuổi.

Đối với đối tượng tinh giản biên chế dưới 53 tuổi (hoặc 48 tuổi đối với nữ), không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí như trên hoặc dưới 58 tuổi với nam và 53 tuổi với nữ, có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm, khi thôi việc ngay sẽ được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH và 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế, dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, đang đảm nhận công việc không phù hợp, được đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc. Đồng thời, cán bộ, công chức còn được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng, được đóng BHXH, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng không quá 06 tháng; được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp ½ tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH... Thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục của cán bộ, công chức, viên chức đó, nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm. Đặc biệt, sau khi kết thúc học nghề, công chức, viên chức còn được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2015; các chế độ, chính sách nêu trên được áp dụng đến hết ngày 31/12/2021.

▀▄ Tư pháp-Hộ tịch:

CÔNG CHỨNG ĐƯỢC CHỨNG CẢ BẢN DỊCH, BẢN SAO

Không chỉ có thẩm quyền chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch mà từ 1-1, công chứng viên cũng có quyền công chứng bản dịch giấy tờ, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản (Theo Luật công chứng sửa đổi, hiệu lực từ 1-1-2015).

Theo quy định hiện hành thì chỉ có UBND mới có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ. Như vậy trong thời gian tới, việc chứng thực sao y của người dân sẽ thuận tiện hơn khi có nhiều cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

TỪ 1/1/2015 SẼ KHÔNG CẤM KẾT HÔN GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÙNG GIỚI TÍNH

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014, từ 1/1/2015 sẽ không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Nếu theo Luật hôn nhân và gia đinh 2000 hiện nay, việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm thì từ 1/1/2015, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Tuy nhiên, Luật 2014 vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8).

Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Không cấm nhưng không công nhận, đó là sự nhìn nhận bước đầu về hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta.

Cũng theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, độ tuổi kết hôn của nam nữ phải là từ đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam (trước đây chỉ ghi là nữ 18 tuổi, nam 20 tuổi).

Luật cũng cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

▀▄ Doanh nghiệp:

CHẾ ĐỘ GIÁM SÁT, KIỂM TRA ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 115/2014/NĐ-CP ngày 03/12/2014 quy định chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp Nhà nước. Theo Nghị định này, trách nhiệm giám sát thường xuyên, kiểm tra các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc về Bộ, UBND cấp tỉnh quản lý doanh nghiệp và Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp đó.

Việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của các doanh nghiệp Nhà nước gồm các nội dung cụ thể như: Tiến độ và mức độ thực hiện các giải pháp nêu trong chiến lược, kế hoạch; những hạn chế, sai phạm, nguyên nhân của việc không thực hiện hoặc thực hiện không tốt chiến lược, kế hoạch; tình hình thực hiện các mục tiêu chính của kế hoạch (doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, sản lượng sản phẩm chủ yếu...); tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao (nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công ích...); tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong kế hoạch 05 năm và hàng năm...

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người đại diện có thể sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc... nếu không thực hiện đầy đủ các nội dung giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ; không nộp, nộp không đầy đủ, không đúng hạn các báo cáo hoặc báo cáo không trung thực; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các ý kiến chỉ đạo khuyến nghị, giải pháp của chủ sở hữu Nhà nước...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2015.

▀▄ Giao thông:

TÀU THỦY PHẢI CÓ THIẾT BỊ NHẬN DẠNG TỰ ĐỘNG

Đây là một trong những điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định theo Nghị định số 110/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 20/11/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Theo đó, để được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngoài việc có lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo, đơn vị kinh doanh còn phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách và người thứ ba; có văn bản chấp thuận tuyến hoạt động và phương án khai thác tuyến; có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; có nơi neo đậu cho tàu, thuyền... Đặc biệt, người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp hoặc cao đẳng trở lên (đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác); thuyền viên trên tàu phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe; có hợp đồng lao động bằng văn bản và phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định về hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật.

Với các đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch, Nghị định quy định, phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo; có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; phải được cấp biển hiệu riêng cho phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời, nhân viên phục vụ trên tàu phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch...

Đối với kinh doanh vận tải hành khách ngang sông, chủ đơn vị kinh doanh phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; phải đón, trả hành khách tại bến đã được cấp phép hoạt động; phương tiện vận tải phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và thuyền viên, người lái tàu, thuyền phải có chứng chỉ chuyên môn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2015.

CHỞ HÀNG QUÁ TẢI, PHẠT ĐẾN 8 TRIỆU ĐỒNG

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quyết định tăng mức phạt tiền tối đa đối với ô tô chở hàng quá trọng tải lên 08 triệu đồng, thay vì mức phạt tối đa 07 triệu đồng như trước đây.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2015, người điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị phạt tiền từ 07 - 08 triệu đồng; đối với hành vi chở vượt trọng tải trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 05 tấn hoặc trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 05 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng, mức phạt vẫn như quy định hiện hành, từ 05 - 07 triệu đồng.

Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến giao thông đường bộ, mức phạt không thay đổi đáng kể. Theo đó, chủ xe mô tô, xe gắn máy tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký; không làm thủ tục sang tên xe khi mua, được cho, được tặng, phân bổ, thừa kế sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (hoặc 200.000 - 400.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức). Đối với hành vi tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính hoặc tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo hồ sơ đăng ký mô tô, xe máy, mức phạt dao động từ 800.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với cá nhân và 1,6 - 02 triệu đồng đối với tổ chức...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

▀▄ Bảo hiểm:

ÁP DỤNG MẪU THẺ BẢO HIỂM Y TẾ MỚI TỪ 2015

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014 về việc ban hành mẫu thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước từ ngày 01/01/2015.

Theo Quyết định, ngoài một số thông tin về mã số thẻ; họ, tên, giới tính, ngày sinh và địa chỉ của người được cấp thẻ; nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và thời hạn sử dụng... như trước đây, mẫu thẻ BHYT mới sẽ được bổ sung thêm mã nơi đối tượng cấp thẻ sinh sống và thời điểm đủ 05 năm tham gia bảo hiểm liên tục.

Trong đó, phần mã nơi đối tượng sinh sống ghi ký hiệu nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và ký hiệu nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Đối với người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì ghi từ ngày 01/01/2015 trong mục “Thời điểm đủ 05 năm liên tục”; từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì ghi từ ngày đầu tiên của năm thứ sáu. Trường hợp người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hoặc thời gian tham gia liên tục chưa đủ 05 năm thì để trống.

Đối với thẻ BHYT cấp cho trẻ em dưới 06 tuổi, trong phần cha (mẹ), ưu tiên ghi họ, tên mẹ; nếu không có mẹ thì ghi họ, tên cha; trường hợp không có cha, mẹ thì ghi họ, tên người giám hộ.

Quyết định này thay thế Quyết định số 1055/QĐ-BHXH ngày 02/10/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

NGHỈ THAI SẢN VẪN PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, theo Nghị định này, kể từ ngày 01/01/2015, người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản vẫn phải đóng BHYT hàng tháng với mức bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản; bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì người lao động không phải đóng BHYT, tuy nhiên, vẫn sẽ được hưởng các quyền lợi BHYT. Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài cũng không phải đóng BHYT; thời gian này được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi.

Ngoài các trường hợp đặc biệt nêu trên, mức đóng BHYT hàng tháng của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… vẫn duy trì như trước đây, cụ thể bằng 4,5% mức lương hàng tháng.

Nghị định cũng quy định cụ thể về mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng. Trong đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT trong thời gian 05 năm sau khi thoát nghèo; trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/2015 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01/01/2015 chưa đủ 01 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 01 năm; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT…

Cũng theo Nghị định, người có thẻ BHYT đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ đã hết hạn sử dụng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú; người tham gia BHYT vào viện điều trị trước ngày 01/01/2015 nhưng ra viện kể từ ngày 01/01/2015 thì được thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015; thay thế Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/07/2009.

▀▄ Nông nghiệp - Lâm nghiệp:

DANH MỤC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC HỖ TRỢ

Ngày 18/11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 43/2014/TT-BNNPTNT  ban hành Danh mục sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sản phẩm phụ trợ, sản phẩm cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

Danh mục này quy định các sản phẩm được hỗ trợ bao gồm: Sản phẩm sơ chế, chế biến từ cây lương thực có hạt, cây có củ, cây rau, đậu và các loại hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp; sản phẩm giống gia súc, gia cầm, ong, tằm; sản phẩm gỗ được chế biến, lắp ráp bằng máy hoặc thủ công; gỗ nhân tạo; sản phẩm thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp thủy sản, bột cá, dầu cá; nước mắm; sản phẩm thủy sản ăn liền… Ngoài ra, còn có các sản phẩm phụ trợ như bao bì dùng trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; phụ gia và thuốc thành phẩm bảo quản; chế phẩm sinh học… và các sản phẩm cơ khí như động cơ Diezen; máy kéo, máy làm đất các loại; máy gieo cấy, máy thu hoạch; máy sấy; máy chế biến gỗ; máy, thiết bị làm lạnh, cấp đông…

Theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nêu trên tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn tiền sử dụng đất; tại địa bàn khó khăn được giảm 70% tiền sử dụng đất và tại vùng nông thôn được giảm 50% tiền sử dụng đất. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước; 50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm… Riêng doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung được hỗ trợ 03 tỷ đồng/dự án; 70% chi phí xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước; dự án đầu tư nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo cũng được hỗ trợ đến 100 triệu đồng/100m3 lồng nuôi…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2015.

PHẢI CÔNG KHAI DỊCH HẠI THỰC VẬT TRONG 24 GIỜ

Ngày 04/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, khẳng định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi công bố dịch hại thực vật, Quyết định công bố dịch phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; đồng thời, chính quyền địa phương nơi công bố dịch phải thông báo cho chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn biết và thực hiện.

Tương tự, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người có thẩm quyền ký, Quyết định công bố hết dịch cũng phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.

Về việc xuất, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, Nghị định quy định, phải tạm ngừng nhập khẩu đối với các vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam mà chưa có biện pháp xử lý triệt để; vật thể nhập khẩu từ một quốc gia, vùng lãnh thổ bị phát hiện nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ mà cơ quan chuyên ngành bảo vệ, kiểm dịch thực vật ở Trung ương đã có thông báo về việc không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật của Việt Nam...

Đặc biệt, cấm nhập khẩu đối với vật thể từ quốc gia, vùng lãnh thổ được xác định có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật, đe dọa sản xuất nông nghiệp trong nước, an ninh lương thực quốc gia mà không có biện pháp xử lý triệt để và vật thể đã bị áp dụng biện pháp xử lý tạm ngừng nhập khẩu nhưng vẫn không áp dụng các biện pháp khắc phục hoặc đã áp dụng nhưng vẫn không đáp ứng được các quy định kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Việt Nam...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2015.

KIỂM TRA BỆNH CÚM GIA CẦM 6 THÁNG/LẦN

Ngày 01/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 44/2014/TT-BNNPTNT quy định các bệnh phải kiểm tra định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, bò sữa; trong đó có bệnh lở mồm long móng; sảy thai truyền nhiễm, lao, xoắn khuẩn ở trâu, bò; bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn, xoắn khuẩn ở lợn; lở mồm long móng, xoắn khuẩn ở dê và bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao ở gia cầm.

Theo đó, các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, bò sữa phải tiến hành kiểm tra các bệnh nêu trên định kỳ 06 tháng/lần. Riêng các cơ sở đã được công nhận hoặc thuộc vùng đã được công nhận an toàn dịch bệnh đối với các bệnh này và thời gian công nhận vẫn còn hiệu lực thì không phải thực hiện kiểm tra định kỳ đối với bệnh đó.

Việc kiểm tra có thể được tiến hành theo phương pháp kiểm tra lâm sàng; lấy mẫu để xét nghiệm mầm bệnh hoặc phát hiện kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên. Nếu phát hiện bệnh, cơ sở chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định hiện hành đối với từng bệnh; những bệnh chưa có quy định biện pháp phòng, chống cụ thể phải giám sát, theo dõi và xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y Trung ương. Trường hợp không phát hiện bệnh thì cơ sở chăn nuôi được sử dụng kết quả kiểm tra, xét nghiệm để làm thủ tục đăng ký cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh đã kiểm tra.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/01/2015.

▀▄ Thương mại:

KHÔNG KINH DOANH THUỐC LÁ, RƯỢU TRÊN WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Ngày 05/12/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử; không áp dụng đối với các website hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm; website mua bán, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; website cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, dịch vụ đặt cược hoặc trò chơi có thưởng. Thông tư này thể hiện những quy định tương đối chặt chẽ của Bộ Công Thương trong việc quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử.

Trước hết, Thông tư quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website thương mại điện tử để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: Súng săn, đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả động vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến... Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, thương nhân phải công bố trên website thương mại điện tử số, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.

Đồng thời, Thông tư cũng làm rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, trong đó yêu cầu thương nhân, tổ chức này phải ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh; loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh xác thực...

Về hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, Thông tư quy định các mạng xã hội cho phép người tham gia được mở gian hàng hoặc lập website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; hoặc mạng xã hội có chuyên mục mua bán cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch điện tử. Người bán hàng trên các mạng xã hội này phải có trách nhiệm khai báo thông tin về tên, địa chỉ trụ sở; số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác; đồng thời phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hàng hóa, dịch vụ...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2015; thay thế Thông tư số 12/2013/TT-BCT ngày 20/06/2013.

H. Sơn (theo www.thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.977.297
Truy cập hiện tại 2.798 khách