Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 09/2014
Ngày cập nhật 03/09/2014

Tháng 09/2014, nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng - Tín dụng; Thuế - Phí - Lệ phí; Giáo dục - Đào tạo - Dạy nghề; Khoa học - Công nghệ; Doanh nghiệp; Giao thông... có hiệu lực thi hành.

▀▄ Tài chính - Ngân hàng - Tín dụng:

TỰ DO HÓA ĐỐI VỚI GIAO DỊCH VÃNG LAI

Theo Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được tự do thực hiện miễn là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cụ thể, người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai; đồng thời, có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đó. Nghị định cũng nhấn mạnh, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai, người cư trú, người không cư trú không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định cũng cho phép chuyển thu nhập từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, nếu có nhu cầu chuyển các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng và chuyển ra nước ngoài trong 30 ngày làm việc, kể từ ngày mua được ngoại tệ.

Cũng theo Nghị định này, người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để học tập, chữa bệnh; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí; trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài hoặc chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài và các nhu cầu hợp pháp khác.

Nghị định này thay thế Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/09/2014.

KINH DOANH CASINO PHẢI CÓ GIẤY PHÉP THU, CHI NGOẠI TỆ

Đây là nội dung của Thông tư số 15/2014/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 24/07/2014, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Cụ thể, từ ngày 06/09, doanh nghiệp (DN) muốn kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có thu ngoại tệ tiền mặt từ máy trò chơi điện tử có thưởng; thu ngoại tệ tiền mặt từ việc bán đồng tiền quy ước; thu chuyển khoản từ tài khoản ở nước ngoài của người chơi chuyển vào; chi ngoại tệ bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản số tiền trả thưởng cho người chơi trúng thưởng... phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác. Giấy phép có thời hạn tối đa 10 năm kể từ ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thưởng có hiệu lực thi hành.

Cũng theo Thông tư này, DN được cấp Giấy phép phải mở 01 tài khoản chuyên dùng cho từng loại ngoại tệ tại 01 ngân hàng được phép. Đặc biệt, chậm nhất  ngày 06/09/2015, các DN đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện thu, chi ngoại tệ tiền mặt đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải làm thủ tục để chuyển đổi văn bản chấp thuận trước đây sang Giấy phép. Quá thời hạn nêu trên, DN không làm thủ tục chuyển đổi phải chấm dứt việc thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Trường hợp DN không triển khai hoạt động thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác sau 12 tháng từ ngày được cấp Giấy phép; DN bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý ngoại hối từ 03 lần trở lên hay bị chia, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản..., Ngân hàng Nhà nước có quyền thu hồi Giấy phép.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/09/2014.

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI KHOẢN NGOẠI TỆ TẠI NGÂN HÀNG

Theo Thông tư số 16/2014/TT-NHNN ngày 01/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép, người cư trú là cá nhân được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài, thu ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài mang vào, từ các nguồn thu hợp pháp trong nước; chi bán ngoại tệ, chi tặng, cho, chuyển đổi; chuyển tiền hoặc chi chuyển ra nước ngoài (đối với người cư trú là người nước ngoài).

Ngoài ra, Thông tư cũng cho phép người cư trú là tổ chức được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng để chi chuyển khoản hoặc rút ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người nước ngoài; chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật; chi bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép và chi chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ...

Đối với việc điều chuyển ngoại tệ, đồng Việt Nam giữa các tài khoản của 01 chủ tài khoản, Thông tư quy định, người cư trú, người không cư trú là tổ chức, cá nhân được điều chuyển ngoại tệ chuyển khoản giữa các tài khoản ngoại tệ của mình mở tại các ngân hàng khác nhau hoặc trong cùng hệ thống của 01 ngân hàng được phép, trừ trường hợp người cư trú là tổ chức không được điều chuyển ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc mua, bán ngoại tệ của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Đồng thời, người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài cũng được điều chuyển đồng Việt Nam chuyển khoản giữa các tài khoản đồng Việt Nam của mình được mở tại các ngân hàng khác nhau hoặc trong cùng hệ thống của 01 ngân hàng được phép.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

TỔ CHỨC TÍN DỤNG PHẢI TẠM ỨNG TIỀN ĐỂ CÔNG TY QUẢN LÝ TÀI SẢN XỬ LÝ NỢ XẤU

Theo Thông tư số 20/2014/TT-NHNN ngày 12/08/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về khoản thu, tạm ứng của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đối với các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, các TCTD bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản và nhận trái phiếu đặc biệt phải tạm ứng một khoản tiền để Công ty Quản lý tài sản trang trải các chi phí liên quan đến xử lý nợ xấu.

Theo đó, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 1 hàng năm, TCTD bán nợ phải chuyển cho Công ty Quản lý tài sản các khoản tạm ứng của năm trước liền kề tương ứng với một tỷ lệ trên số dư nợ gốc thực tế bình quân năm của các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của năm trước liền kề.

Công ty Quản lý tài sản cũng được hưởng số tiền tương ứng với một tỷ lệ trên số tiền thu hồi nợ của Công ty. Tỷ lệ này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định theo nguyên tắc thúc đẩy việc xử lý nợ xấu; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu; giảm thiểu chi phí cho TCTD bán nợ và đảm bảo Công ty Quản lý tài sản có đủ nguồn thu bù đắp đầy đủ chi phí hoạt động.

Ngoài ra, Công ty Quản lý tài sản thu hồi các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt bằng số tiền thu được từ việc bán nợ; số tiền thu từ các hoạt động khai thác, cho thuê, bán tài sản bảo đảm; số tiền khách hàng vay trả nợ; số tiền do bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán hoặc do bên thứ ba khác trả nợ thay cho khách hàng và giá trị khoản góp vốn điều lệ, vốn cổ phần tại khách hàng vay do chuyển nợ thành vốn điều lệ, vốn cổ phần...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/09/2014.

▀▄ Thuế-Phí-Lệ phí:

PHÍ GIÁM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VIỄN THÔNG LÀ 10,2 TRIỆU ĐỒNG/LẦN

Ngày 24/07/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 97/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin truyền thông, với mức thu dao động từ 50.000 đồng đến 15,5 triệu đồng.

Trong đó, mức phí thấp nhất 50.000 đồng/trang được áp dụng khi giám định bài báo, bài viết có nội dung về văn hóa, thuần phong, mỹ tục; giám định xuất bản phẩm dạng sách in tiếng nước ngoài có nội dung tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; mức phí 100.000 đồng/xuất bản phẩm, vụ việc được áp dụng khi giám định video clip có nội dung về chính trị, tư tưởng; video clip có nội dung văn hóa, thuần phong, mỹ tục; dây chuyền thiết bị in công nghiệp; thiết bị in văn phòng, máy photocopy màu hay khi giám định xuất bản phẩm được xuất bản, in, phát hành, nhập khẩu hợp pháp hoặc không hợp pháp.

Đối với nội dung giám định điều kiện đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” hoặc tên miền quốc tế tại Việt Nam; giám định phần mềm máy tính; giám định chất lượng dịch vụ viễn thông và giám định hệ thống ghi cước tổng đài mạng viễn thông công cộng, mức phí lần lượt là 3,8 triệu đồng/nhà cung cấp; 5,3 triệu đồng/phần mềm; 10,2 triệu đồng/lần đo và 15,5 triệu đồng/hệ thống...

Các mức thu phí nêu trên không bao gồm tiền bồi dưỡng giám định tư pháp và là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Cơ quan thu phí được trích 95% trên số tiền phí thu được để trang trải cho các nội dung chi quy định tại Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/05/2006; 5% còn lại được nộp vào ngân sách Nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

▀▄ Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

SINH VIÊN CHẤT LƯỢNG CAO PHẢI ĐẠT TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ BẬC 4/6

Ngày 18/07/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao (CLC) trình độ đại học, trong đó chỉ rõ: Chuẩn đầu ra của sinh viên chương trình đào tạo CLC phải cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích ứng với môi trường công tác và đặc biệt, năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Giảng viên của chương trình đào tạo CLC phải có trình độ thạc sĩ trở lên; riêng giảng viên dạy lý thuyết các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư, hoặc trình độ thạc sĩ tốt nghiệp các trường đại học ở các nước phát triển; có kinh nghiệm giảng dạy liên quan đến ngành của chương trình đào tạo CLC từ 03 năm trở lên; giảng viên dạy các học phần chuyên môn bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ bậc 5/6 trở lên…

Trong cả khóa học, mỗi sinh viên chương trình CLC được tham gia nghiên cứu khoa học theo nhóm do các giảng viên hướng dẫn hoặc tham gia đề tài cùng với  giảng viên; hàng năm, sinh viên và giảng viên phải có ít nhất 01 đề tài phối hợp nghiên cứu với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên quan đến ngành của chương trình đào tạo CLC.

Phòng học riêng của lớp đào tạo CLC được trang bị máy tính kết nối Internet; mỗi sinh viên có nơi tự học ở trường, được sử dụng mạng Internet không dây; có phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở thực tập; có các phần mềm mô phỏng cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định sinh viên chương trình CLC không đủ điều kiện tiếp tục học tập theo chương trình này thì phải chuyển sang học chương trình đại trà hoặc thôi học theo quy định của cơ sở đào tạo; sinh viên đang học chương trình đại trà nếu có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được xem xét tiếp nhận vào học chương trình CLC.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.

GIẢM 70% HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN TRƯỜNG VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT

Theo Chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật ban hành kèm theo Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù như: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi và biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật sẽ được giảm 70% học phí từ ngày 09/09.

Cũng theo Quyết định này, ngoài việc được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề với mức bằng 40% suất học bổng khuyến khích toàn phần/tháng, từ ngày 09/09/2014, học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập còn được cấp 02 bộ quần áo tập, 04 đôi giày vải và 07 đôi tất trong mỗi năm.

Đối với các trường ngoài công lập, mức giảm học phí và mức bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên không được vượt quá mức quy định của các ngành đào tạo tương ứng trong các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật công lập.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/09/2014.

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐƯỢC XÉT TUYỂN THẲNG VÀO TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP

Ngày 11/08/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 27/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trong đó đáng chú ý là quy định thay đổi về đối tượng xét tuyển thẳng vào TCCN.

Cụ thể, ngoài một số đối tượng được xét tuyển thẳng theo quy định hiện hành như: Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; người đã trúng tuyển vào trường TCCN nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự, nay đã phục viên, xuất ngũ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sức khỏe, giấy tờ; con liệt sĩ, thương binh từ 81% trở lên hoặc người mồ côi cả cha lẫn mẹ, tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, có hạnh kiểm loại khá trở lên, điểm tổng kết của 02 môn Toán, Ngữ văn cuối cấp đạt từ 6,0 điểm trở lên..., từ ngày 25/09, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 03 năm trở lên, học 03 năm, tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc học 04 năm và tốt nghiệp trung học cơ sở tại các huyện nghèo và thí sinh có Giấy xác nhận khuyết tật; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị dị tật do hậu quả của chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thương binh, bệnh binh... cũng sẽ được xem xét tuyển thẳng vào TCCN.

Tương tự, thí sinh đoạt từ giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật, thi chọn học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên và thí sinh đoạt từ giải khuyến khích trở lên trong các giải thi đấu thể dục, thể thao từ cấp tỉnh trở lên hoặc trong các cuộc thi nghệ thuật về ca, múa, nhạc từ cấp tỉnh trở lên sẽ được tuyển thẳng vào TCCN theo ngành học phù hợp với môn đạt giải từ ngày 25/09.

Đặc biệt, đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic, hội thi khoa học kỹ thuật..., Thông tư quy định nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở, thí sinh sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2014; thay thế các Quyết định số 06/2006/QĐ- BGDĐT ngày 17/03/2006 và Quyết định số 08/2007/QĐ-BGDĐT ngày 06/04/2007.

NGHỈ QUÁ 45 BUỔI HỌC/NĂM SẼ KHÔNG ĐƯỢC LÊN LỚP

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 26/2014/TT-BGDĐT ngày 11/08/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BGDĐT.

Trong đó, đáng chú ý là quy định thay đổi về tiêu chuẩn lên lớp đối với học sinh theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo đó, từ ngày 25/09, học viên nghỉ học quá 45 buổi trong 01 năm học thay vì 35 buổi học như quy định hiện hành (kể cả nghỉ có phép và không phép) sẽ không được lên lớp.

Một nội dung đáng chú ý khác là việc thay đổi cách tính điểm trung bình học kỳ, cả năm. Theo đó, thay vì tính điểm trung bình học kỳ, cả năm theo điểm trung bình môn của tất cả các môn với hệ số môn học (ví dụ: Hệ số 2 đối với Toán, Vật lý...), từ ngày 25/09/2014, điểm trung bình các môn học kỳ được tính bằng trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ tất cả các môn học và điểm trung bình cả năm sẽ là trung bình cộng của điểm trung bình môn cả năm của tất cả các môn học.

Riêng đối với học sinh khuyết tật, Thông tư nhấn mạnh, việc đánh giá học sinh phải theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực, tiến bộ của học viên; học viên có khả năng đáp ứng các yêu cầu của Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được đánh giá, xếp loại theo các quy định như đối với học viên bình thường. Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà người khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung sẽ được đánh giá theo kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/09/2014.

 ▀▄ Khoa học-Công nghệ:

TỪ 1/9, KHÔNG NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ CŨ QUÁ 5 NĂM

Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu được phép nhập khẩu vào Việt Nam nếu có thời gian sử dụng không quá 05 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là nội dung quy định tại Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 15/07/2014.

Đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp; sử dụng trong ngành rượu, bia, nước giải khát có cồn và không cồn hoặc máy móc, thiết bị ngành bưu chính như thiết bị chia chọn thư, bưu kiện; máy lồng gấp phong bì; máy sản xuất phong bì; thiết bị đăng tải, Thông tư quy định, chỉ được nhập khẩu các máy móc, thiết bị có thời gian sử dụng không quá 03 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Riêng đối với máy móc, thiết bị cũ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, phục vụ đóng tàu, sửa chữa tàu, xây dựng công trình hạ tầng giao thông hoặc phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in; động cơ máy thủy sử dụng cho tàu đánh bắt xa bờ, máy kỵ mã liên hợp phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in và máy in offset, máy in ống đồng, máy in flexco phục vụ hoạt động sản xuất trong ngành in, ngoài việc phải có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% như trên, còn phải có thời gian sử dụng tối đa lần lượt là 07; 10 và 15 năm.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể yêu cầu đối với tổ chức giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo đó, tổ chức giám định phải có năng lực giám định đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17020 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17020 phiên bản hiện hành; có phương pháp giám định chất lượng và quy trình giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ do lãnh đạo tổ chức giám định phê duyệt. Đặc biệt, ít nhất 02 giám định viên của tổ chức phải có trình độ đại học trở lên; có tối thiểu 03 năm làm việc trong lĩnh vực cần giám định và có chứng chỉ giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.

▀▄ Thông tin-Truyền thông:

TỪ 1/9, TÊN MIỀN INTERNET ĐƯỢC ĐẤU GIÁ CÔNG KHAI VÀ CHO PHÉP MUA BÁN

Ngày 01/07/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet từ ngày 01/09.

Bên cạnh đó, Quyết định cũng bổ sung điều kiện chuyển nhượng kho số viễn thông. Theo đó, doanh nghiệp được cấp, phân bổ mã, số, khối số viễn thông thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng mã, khối số này sau khi đã khai thác, sử dụng trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ ngày được cấp, phân bổ mã, số, khối số viễn thông. Đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet, Thủ tướng lưu ý, không được phép chuyển nhượng đối với những tên miền được ưu tiên bảo vệ và tên miền đang xử lý vi phạm, đang trong quá trình giải quyết tranh chấp hoặc tên miền Internet đang bị tạm ngừng sử dụng. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền Internet phải làm thủ tục đăng ký lại tên miền đó theo quy định của pháp luật.

Cũng từ ngày 01/09, các tiên miền Internet quốc gia “.vn” và các tên miền Internet khác có nhu cầu đăng ký sử dụng cao sẽ được xem xét mang ra đấu giá.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đấu giá quyền sử dụng tên miền Internet phải đăng ký tham gia thông qua trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để đấu giá tên miền Internet qua mạng và nộp tiền đặt trước vào tài khoản do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định trước thời điểm bắt đầu trả giá ít nhất 15 ngày. Trong đó, tiền đặt trước do Hội đồng đấu giá quy định, nhưng tối thiểu bằng 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tên miền Internet mang ra đấu giá.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.

▀▄ Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

CÁN BỘ QUAN TRẮC TNMT HƯỞNG PHỤ CẤP ĐỘC HẠI BẰNG 0,1 LƯƠNG CƠ SỞ

Ngày 24/07/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 41/2014/TT-BTNMT quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động và phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với viên chức quan trắc tài nguyên môi trường (TNMT); điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Theo đó, từ ngày 10/09, viên chức trực tiếp quan trắc TNMT và viên chức trực tiếp làm công việc phân tích mẫu cơ lý đất, cơ lý đá, cơ lý nước; đo địa vật lý về tài nguyên nước sẽ được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm bằng 0,1 mức lương cơ sở. Ngoài phụ cấp độc hại nêu trên, viên chức trực tiếp quan trắc TNMT còn được hưởng thêm phụ cấp lưu động với hệ số 0,4 mức lương cơ sở.

Đặc biệt, trưởng nhóm hoặc tổ trưởng quan trắc TNMT; đội trưởng hoặc tổ trưởng đội khoan tài nguyên nước và đội trưởng hoặc tổ trưởng tổ điều tra cơ bản tài nguyên nước được hưởng phụ cấp trách nhiệm với hệ số áp dụng bằng 0,2 mức lương cơ sở.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2014.

THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ TRẢ LƯƠNG MỚI TẠI VIETTEL

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2014/NĐ-CP ngày 23/07/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2011/NĐ-CP ngày 29/07/2011 thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Theo đó, thay vì được xếp lương và phụ cấp lương cùng với Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên theo các thang lương, bảng lương quy định tại các Nghị định số 204/2004NĐ-CP ngày 14/12/2004, 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và 141/2007/NĐ-CP ngày 05/09/2007 như trước đây, từ năm 2014 đến hết năm 2015, việc xếp lương, phụ cấp đối với công nhân viên quốc phòng và người lao động làm việc theo hợp đồng tại Viettel sẽ được thực hiện theo thang lương, bảng lương do Tập đoàn xây dựng theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013.

Đối với Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Tập đoàn, việc xếp lương, phụ cấp lương được thực hiện theo bảng lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.

Cũng theo Nghị định này, Viettel có trách nhiệm căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau và phân phối tiền lương cho người lao động theo quy chế trả lương của Tập đoàn; trong đó, quỹ dự phòng không được vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/09/2014; các quy định nêu trên thực hiện từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/12/2015.

BỔ SUNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC THUÊ LẠI LAO ĐỘNG

Ngày 23/07/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 29 Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/05/2013 quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.

Nghị định quy định, đối với những doanh nghiệp vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa có nhiệm vụ góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia (theo đề án Tái cơ cấu đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) được phép cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê và các doanh nghiệp khác trong công ty mẹ hoặc tập đoàn kinh tế mà doanh nghiệp này là thành viên, với những công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI MUỐN TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM PHẢI CÓ VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ

Ngày 28/07/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam (VN) làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN, quy định mọi công dân VN từ đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật) đều có thể nộp hồ sơ xin làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại VN (bao gồm: Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài...).

Hồ sơ bao gồm: Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; bản sao giấy khai sinh; giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ và bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ liên quan đến công việc đăng ký dự tuyển.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng người lao động VN, phải có văn bản đề nghị tuyển dụng, nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và tổ chức... gửi tổ chức có thẩm quyền.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp văn bản đề nghị, tổ chức, cá nhân đó được phép trực tiếp tuyển dụng nếu tổ chức có thẩm quyền không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động VN theo đề nghị của mình, và phải gửi thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký trong 07 ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động với người VN (trường hợp tuyển dụng được).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

▀▄ Doanh nghiệp:

TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC CÓ TỐI ĐA 3 CẤP DOANH NGHIỆP

Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/07/2014 do Chính phủ ban hành về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định này, từ ngày 01/09/2014, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước mới thành lập phải có tối đa 03 cấp doanh nghiệp (DN), bao gồm: Công ty mẹ (DN cấp I) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối, giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối các DN thành viên trong tập đoàn, tổng công ty; công ty con của DN cấp I (DN cấp II) và công ty con của DN cấp II (DN cấp III), được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên trở lên. Nghị định nhấn mạnh, đối với những tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập trước ngày 01/09/2014, có nhiều hơn 03 cấp DN trong vòng 02 năm, phải tổ chức lại, sắp xếp các công ty con của DN cấp III hiện có.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết điều kiện thành lập tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Theo đó, từ ngày 01/09/2014, tập đoàn kinh tế được dự kiến thành lập phải có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; có tối thiểu 50% công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.

Đặc biệt, vốn điều lệ của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải không thấp hơn 10.000 tỷ đồng; trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn Nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ... Tập đoàn kinh tế thành lập trước ngày 01/09/2014, nếu không đáp ứng các điều kiện thành lập nêu trên, sẽ phải tiến hành chuyển đổi thành tổng công ty hoặc nhóm công ty tương ứng với các điều kiện thực tế của DN trong vòng 02 năm kể từ ngày 01/09/2014.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2014.

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÂN LỰC CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

Ngày 13/08/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, quyết định tổ chức các khóa đào tạo khởi sự DN cho các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng thành lập DN, DN nhỏ và vừa (chiếm tối đa 30% tổng số khóa đào tạo); đào tạo quản trị DN cho các chủ DN và cán bộ quản lý; đào tạo quản trị DN chuyên sâu cho chủ DN và cán bộ quản lý DN trong một số lĩnh vực, địa bàn theo định hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước.

Trong đó, thời lượng của khóa đào tạo khởi sự DN và khóa đào tạo quản trị DN lần lượt là 03 ngày và 05 ngày; số học viên tối thiểu mỗi khóa là 30 người; đối với khóa đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu, tùy theo nội dung đào tạo, đơn vị đào tạo có thể quyết định thời lượng đào tạo phù hợp nhưng phải đảm bảo tối thiểu 07 ngày và số học viên tối thiểu mỗi khóa là 20 người.

Thông tư cũng khẳng định, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí tổ chức khóa đào tạo, bao gồm: Chi thù lao giảng viên, chi phụ cấp tiền ăn giảng viên; chi tài liệu học tập theo nội dung chương trình khóa đào tạo cho học viên; chi khen thưởng cho học viên; văn phòng phẩm; chi uống nước, giải khát giữa giờ; chi phí cấp chứng chỉ, chi phí chiêu sinh và các nội dung chi khác phục vụ trực tiếp lớp học...  với mức hỗ trợ cho 01 khóa đào tạo tối đa 50% tổng chi phí của 01 khóa đào tạo. Phần kinh phí còn lại được chi trả từ các nguồn kinh phí tài trợ, huy động được từ DN, các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và học phí do học viên đóng góp.

Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/03/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/09/2014.

▀▄ Giao thông:

GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP LĨNH VỰC GTVT CÓ THỂ KHÔNG CẦN BẰNG ĐẠI HỌC

Theo Thông tư số 33/2014/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 08/08/2014 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), để được bổ nhiệm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này ngoài việc đáp ứng điều kiện là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; cá nhân phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành đào tạo có liên quan đến lĩnh vực GTVT; đồng thời, đã qua thực tế làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực GTVT cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên; tuy nhiên, trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Cũng theo Thông tư này, người được phân công thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực GTVT phải có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định. Nếu từ chối giám định trong trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác thì việc từ chối phải được thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/09/2014.

▀▄ Thi đua- Khen thưởng-Kỷ luật:

ĐẠT GIẢI KHCN, THƯỞNG ĐẾN 270 LẦN LƯƠNG CƠ SỞ

Theo Nghị định số 78/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/07/2014 quy định về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ (KHCN), mức tiền thưởng dành cho tác giả công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tương đương 270 lần mức lương cơ sở tính tại thời điểm quyết định tặng giải thưởng; tác giả công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KHCN được nhận số tiền thưởng tương đương 170 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra, các tác giả còn được tham dự Lễ trao giải thưởng và hưởng các quyền lợi khác có liên quan đến giải thưởng.

Nghị định cũng quy định, công trình KHCN đề nghị xét thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phải có hồ sơ hợp lệ; được công bố và ứng dụng tại Việt Nam. Trong đó, thời gian công trình được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất là 03 năm hoặc công trình được ứng dụng đổi mới sáng tạo có hiệu quả ít nhất 01 năm tính đến thời điểm cơ quan chủ trì tổ chức xét tặng giải thưởng nhận hồ sơ công trình đề nghị xét tặng. Đồng thời, tính đến thời điểm xét tặng giải thưởng, tác giả công trình không được có các hành vi như: Lợi dụng hoạt động KHCN để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả KHCN; lừa dối, giả mạo trong hoạt động KHCN…

Ngoài ra, các công trình KHCN được trao thưởng phải còn là những công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KHCN; có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

▀▄ Thương mại:

DOANH NGHIỆP BÁN HÀNG ĐA CẤP PHẢI BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG TRƯỚC NGÀY 15/7 VÀ 15/1

Theo Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30/07/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì trước ngày 15/07 và ngày 15/01 hàng năm, doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp có trách nhiệm nộp báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động bán hàng đa cấp 06 tháng và 01 năm bằng văn bản và dữ liệu điện tử tới Cục Quản lý cạnh tranh và Sở Công Thương nơi DN có thông báo hoạt động bán hàng đa cấp.

Trong đó, báo cáo định kỳ nộp cho Sở Công Thương bao gồm thông tin về DN và thông tin về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp của DN như doanh thu, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người bán hàng đa cấp. Đối với báo cáo định kỳ nộp cho Cục Quản lý cạnh tranh, ngoài thông tin về DN và kết quả hoạt động bán hàng đa cấp như trên, báo cáo còn bao gồm thông tin về số lượng hội nghị, hội thảo, đào tạo đã thông báo, xác nhận và báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm tài chính liền trước (đối với báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm).

Cũng theo Thông tư này, từ ngày 15/09, khi tổ chức hội nghị, hội thảo hay đào tạo, DN bán hàng đa cấp phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương nơi dự kiến tổ chức. Hồ sơ bao gồm: Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo; bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; nội dung, chương trình, kịch bản, tài liệu của hội nghị, hội thảo, đào tạo; số lượng người tham gia dự kiến; danh sách báo cáo viên; bản sao Chứng chỉ đào tạo viên (nếu đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp); văn bản ủy quyền trong trường hợp DN ủy quyền cho cá nhân thực hiện đào tạo hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

QUẢNG CÁO GIAN DỐI, GÂY NHẦM LẪN PHẠT ĐẾN 140 TRIỆU

Theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, từ ngày 15/09, doanh nghiệp (DN) có hành vi bắt chước sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại khác sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng; riêng đối với hành vi quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá, số lượng, chất lượng, công dụng, thời gian bảo hành... mức phạt tiền dao động từ 80 - 140 triệu đồng.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định tăng mức phạt đối với các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức khuyến mại gian dối về giải thưởng; khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng... sẽ tăng khoảng 45 - 55 triệu đồng lên 50 - 80 triệu đồng. Đối với DN trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong 01 năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng trong năm đó và yêu cầu đặt cọc hoặc mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, mức phạt tiền lần lượt là 40 - 60 triệu đồng và 60 - 100 triệu đồng.

Cũng từ ngày 15/09, DN có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên, trực tiếp hoặc gián tiếp thỏa thuận mức giá hàng hóa, dịch vụ thống nhất đối với một số hoặc tất cả khách hàng; thỏa thuận tăng hoặc giảm giá ở mức cụ thể; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ... sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm có những hành vi vi phạm nêu trên.

Mức phạt tiền này cũng được áp dụng đối với các DN có hành vi áp đặt giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng; ấn định lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường; thông đồng để 01 hoặc các bên thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; loại bỏ hoặc ngăn cản, kìm hãm không cho DN khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

▀▄ An ninh - Trật tự:

CHUNG CƯ TỪ 5 TẦNG PHẢI CÓ THIẾT KẾ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Ngày 31/07/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định về Danh mục dự án, công trình phải được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó có: Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên; chợ kiên cố cấp huyện; trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300m2 hoặc có khối tích từ 1.000m3; gara ô tô có sức chứa từ 05 chỗ; bệnh viện cấp huyện trở lên; nhà điều dưỡng và các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh khác có quy mô từ 21 giường trở lên…

Bên cạnh đó, Nghị định cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới. Cụ thể, phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên, phương tiện vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn; người điều khiển các phương tiện này phải được học tập kiến thức về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình đào tạo cấp Giấy phép điều khiển phương tiện; riêng người điều khiển phương tiện có phụ cấp trách nhiệm hoặc người làm việc, phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới từ 30 chỗ ngồi trở lên hoặc trên phương tiện chuyên vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ phải có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2014.

H. Sơn (Theo www.thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.977.297
Truy cập hiện tại 2.793 khách