Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020
Ngày cập nhật 29/08/2014

Thực hiện Quy chế làm việc và Chương trình công tác năm 2014 của UBND huyện; nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện sẽ bố trí chương trình làm việc trực tiếp với UBND các xã, thị trấn. Để đảm bảo nội dung làm việc về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của các địa phương, đồng thời, góp phần chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn các xã, thị trấn chuẩn bị nội dung làm việc về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và đã ban hành Thông báo số 210/TB-UBND ngày 18/8/2014 yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát, xây dựng 02 báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, gồm: Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Báo cáo tổng hợp, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; trong đó, đăng ký danh mục các công trình, dự án đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 để làm cơ sở xây dựng danh mục đầu tư hàng năm.

Đồng thời, giao trách nhiệm Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng danh mục công trình đăng ký đầu tư giai đoạn 2016-2020; trên cơ sở đó, tổng hợp, tham mưu UBND huyện phân bổ danh mục đầu tư hàng năm cho các địa phương.

Theo đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch đã có Công văn số 35/TCKH-TH ngày 27/8/2014 hướng dẫn các phòng, ban cấp huyện và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020; cụ thể như sau:

PHẦN I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015

Căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ huyện Phú Lộc, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, UBND huyện trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm; căn cứ trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 2011 - 2013 và ước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2014 - 2015, đề nghị các phòng ban và địa phương quán triệt tinh thần Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ để đánh giá khách quan, trung thực, đúng thực tiễn các kết quả đạt được. Các nội dung chủ yếu cần tập trung đánh giá bao gồm:

1. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; trong đó làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng phát triển đã đề ra; các khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế; các chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch.

2. Tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đánh giá:

a. Tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, bao gồm: dịch vụ; công nghiệp và xây dựng; nông, lâm, ngư nghiệp. Phân tích và làm rõ chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2011 - 2015. Trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, cần đánh giá sâu về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, khả năng hoàn thành các tiêu chí so với kế hoạch.

b. Tình hình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó:

- Tập trung đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công đã được triển khai trên nhiều mặt, cả nhiệm vụ cấp bách trước mắt là khắc phục tình trạng đầu tư công phân tán dàn trải, hiệu quả kém theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Đánh giá tái cơ cấu nội bộ của ngành, lĩnh vực: Trong ngành nông nghiệp, tập trung đánh giá về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Trong công nghiệp tập trung đánh giá về chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế dần công nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong các ngành dịch vụ tập trung đánh giá phát triển các ngành dịch vụ truyền thống, các ngành có tiềm năng thế mạnh, có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế.

c. Tình hình thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Bên cạnh những kết quả đạt được, cần phân tích đánh giá những hạn chế trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực.

d. Tình hình huy động, quản lý và sử dụng vốn đầu tư, bao gồm các nguồn vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn DNNN, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư từ khu vực dân cư và tư nhân. Cần nghiên cứu phân tích để thấy rõ về xu hướng biến động cơ cấu các nguồn vốn, hiệu quả đầu tư, các kết quả tích cực sau khi có Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các kết quả về huy động và sử dụng nguồn vốn ODA.

đ. Về lĩnh vực xã hội, đề nghị tập trung đánh giá các kết quả đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác, trong đó, chú ý đánh giá về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

e. Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đề nghị đánh giá tình hình quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ngăn ngừa và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tập trung đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu…

g. Các kết quả thực hiện cải cách hành chính. Cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực; chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,…

h. Tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; công tác đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế. Chú ý phân tích các ảnh hưởng của tình hình căng thẳng trên Biển đông đối với phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở biển Đông.

3. Trên cơ sở tổng kết đánh giá các nội dung cụ thể nêu trên, đánh giá tổng quát về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, những kết quả đạt được, các hạn chế, yếu kém; các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong hạn chế, yếu kém; cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015; đề xuất, kiến nghị hướng tới việc xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

II. VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2016-2020

Trong 5 năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước có khả năng hồi phục, nhờ đó có thể có tác động tích cực và tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường như hiện nay, thì việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải có quyết tâm cao, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển.

Đối với cả nước: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 là: “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế”.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

1) Xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình đô thị “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, cùng các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung làm tốt vai trò trung tâm kinh tế, thúc đẩy phát triển trong vùng miền Trung.

2) Phát triển theo hướng Tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức gắn với khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục và khoa học công nghệ; lấy dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển; phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

3) Ưu tiên phát triển giáo dục – đào tạo gắn với xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ. Phát huy nhân tố con người, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là nguồn lực phát triển quan trọng của Thừa Thiên Huế.

4) Gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đối với huyện Phú Lộc: Quan điểm và tư tưởng chỉ đạo phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 là :

1) Phát huy cao độ các tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và mọi nguồn nội lực trong huyện, tận dụng tối đa các cơ hội bên ngoài, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Xây dựng huyện Phú Lộc trở thành vùng kinh tế động lực, năng động phía Nam của tỉnh.

2) Tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao vai trò và tăng tỷ trọng của lĩnh vực dịch vụ chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế, phát triển khu vực dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

- Tận dụng các cơ hội để thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác liên doanh với bên ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp-TTCN, phát huy hiệu quả Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và các cụm công nghiệp của huyện, tạo động lực cho thúc đẩy phát triển toàn nền kinh tế.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thâm canh chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tăng hiệu quả sử dụng đất. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

3) Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội.

- Củng cố, hoàn thiện kết cấu hạ tầng như giao thông cầu đường, mở rộng điện lưới nông thôn, tăng cường thủy lợi, bưu chính viễn thông, cấp nước sạch, vệ sinh môi trường v.v.

- Chú trọng phát triển hạ tầng đô thị, tạo cảnh quan kiến trúc đô thị, hình thành mạng lưới các đô thị loại V đều khắp trên địa bàn các vùng; từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và chuẩn bị các điều kiện cơ bản để hướng tới hình thành thị xã Chân Mây - một đô thị phát triển ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

4) Phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Coi trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, coi đó là nguồn nội lực quan trọng. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng xã hội, mạng lưới các trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn miền núi, ven biển. Chú trọng công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

5) Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giữ vững cân bằng sinh thái, đảm bảo cho sự phát triển dài lâu, bền vững.

6) Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

* Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng: Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị gia tăng sản xuất (VA) tăng 18-19% thời kỳ 2011-2015 và tăng 16-17% thời kỳ 2016-2020.

- Cơ cấu kinh tế: Đến năm 2015 tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 30,1%, nông lâm ngư giảm còn 10,3%, khu vực dịch vụ chiếm 59,6%; đến năm 2020, các khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng tương ứng là 27,0% - 7,5% - 65,5%.

- GDP bình quân đầu người (giá hiện hành): Năm 2015 đạt 46,9 triệu đồng, năm 2020 đạt 127,5 triệu đồng/năm.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 15 - 20%/năm.

- Thu ngân sách trên địa bàn tăng khoảng 10%/ năm.

b) Chỉ tiêu xã hội:

- Tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2015 giảm còn 0,9%, đến năm 2020 duy trì ở mức 0,8%.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 còn dưới 6%, năm 2020 còn 2-3% (theo chuẩn 2011-2015). 

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53-55% vào năm 2015 và 65-70% vào năm 2020 và tăng lên trong các thời kỳ sau.

- Năm 2015 đạt phổ cập trung học cơ sở cho dân số trong độ tuổi; năm 2020 đạt phổ cập trung học phổ thông.

- Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 10% năm 2015 và đến năm 2020 còn khoảng 7%.

- Tỉ lệ hộ dùng nước sạch năm 2015 đạt 60%, năm 2020 đạt trên 90%.

c) Chỉ tiêu môi trường.

- Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát  nước ở các thị trấn, khu đô thị Chân Mây; quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế; tiến tới xây dựng được công trình xử lý, chế biến rác có công nghệ tiên tiến.

- 70% các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, làng nghề được xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn. Từng bước ứng dụng công nghệ sạch vào các ngành kinh tế, đến năm 2020 các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị làm giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

- Nâng độ che phủ rừng lên 60%. Bảo vệ tốt hệ sinh thái biển, đầm phá Cầu Hai - Lăng Cô và hệ lâm sinh thái Bạch Mã - Hải Vân, bảo vệ rừng ngập nước ven biển, nguồn nước mặt và nước ngầm.

- Cải thiện vệ sinh môi trường khu vực nông thôn; chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có biện pháp tích cực hạn chế tối đa các tác hại do thiên tai, dịch bệnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.

Đề nghị các phòng ban và địa phương căn cứ mục tiêu, định hướng phát triển của Trung ương, tỉnh và huyện, triển khai lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện; trong đó cần chú ý các yêu cầu sau:

Thứ nhất, việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 phải bám sát các nghị quyết của Đảng, Hội đồng nhân dân, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Trong đó cần đặc biệt lưu ý giữa quan hệ phát triển kinh tế với việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, bảo đảm bảo vệ vững chắc chủ quyền của quốc gia, ổn định chính trị và trật tự xã hội, tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thứ hai, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của các ngành, lĩnh vực và các địa phương phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của tỉnh, huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Thứ ba, Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 phải bảo đảm tính khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; cần phân tích, đánh giá, lựa chọn và sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch. Cơ chế, chính sách được xây dựng phải bảo đảm sự thống nhất về các nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương.

Thứ tư, Trong quá trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, các phòng ban và địa phương cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các đoàn thể, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các chuyên gia nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận cao trong xây dựng kế hoạch.

PHẦN II. HỆ THỐNG BIỂU MẪU

Đề nghị các ban ngành và địa phương tổng hợp kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015 và xây dựng kế hoạch 2016-2020 theo hệ thống biểu mẫu đính kèm, để làm cơ sở tổng hợp báo cáo tỉnh theo quy định (file điện tử Công văn hướng dẫn và hệ thống biểu phụ lục thông tin kinh tế - xã hội được đăng trên Trang thông tin điện tử của huyện Phú Lộc: phuloc.thuathienhue.gov.vn).

PHẦN III. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Thời gian triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 không nhiều, trong khi khối lượng công việc lớn, do đó đề nghị các ban ngành và địa phương tập trung chỉ đạo, hoàn thành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và gửi Báo cáo về Phòng Tài chính – Kế hoạch trước ngày 25/9/2014 để kịp tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân huyện. Ngoài báo cáo chính thức bằng văn bản, đề nghị gửi báo cáo bằng file điện tử theo địa chỉ: tckh.phuloc@thuathienhue.gov.vn

Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng để phát triển vững chắc kinh tế - xã hội toàn huyện trong giai đoạn tới. Đề nghị các phòng ban và địa phương chỉ đạo xây dựng Kế hoạch theo đúng các nội dung, yêu cầu và thời gian quy định./.

Tập tin đính kèm:
Quốc Sinh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.977.297
Truy cập hiện tại 6.364 khách