Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
8 năm sự cố môi trường biển: Tín hiệu tích cực đầu tiên trong phục hồi rạn san hô Hải Vân – Sơn Chà
18/06/2024 1:47:PM
Sau sự cố môi trường Formosa năm 2016, phục hồi rạn san hô vùng Hải Vân - Sơn Chà được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành thủy sản tỉnh TT - Huế nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với phát triển kinh tế biển, ven biển của địa phương. Qua hơn 1 năm triển khai thử nghiệm phục hồi rạn san hô tại khu vực Bắc Hải Vân - Sơn Chà đã cho thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên, mở ra nhiều triển vọng từ việc phục hồi thành công san hô - một trong những giống loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao tại Việt Nam.

Theo đánh giá của giới nghiên cứu vào tháng 5/2023, tình trạng suy giảm độ che phủ san hô tại các Vùng rạn Bắc Hải Vân - Sơn Chà như Bãi Cả, Bãi Chuối… lên đến hơn 45%. Sự suy thoái của các rạn san hô bên cạnh những ảnh hưởng về môi trường thủy sinh kéo theo những thiệt hại về kinh tế dựa trên phát triển du lịch - dịch vụ của địa phương. Từ tháng 5/2023, những hoạt động phục hồi và tái tạo rạn san hô đã được triển khai với 2 mô hình gồm: Mô hình phục hồi rạn san hô trên nền san hô chết và Mô hình thả rạn phục hồi san hô trên rạn nhân tạo. Đến nay sau hơn 1 năm qua quá trình giám sát theo dõi sinh trưởng của các rạn san hô cùng hệ sinh thái bản địa, những tín hiệu tích cực đầu tiên đã được ghi nhận.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản Việt Nam chia sẻ, các mô hình rạn nhân tạo đã tạo nên những ổ sinh thái và ghi nhận một số loài cá kinh tế, động vật đáy kinh tế như hải sâm, các nhóm cua. Qua quá trình giám sát 4 tháng 1 lần, chúng tôi nhận thấy san hô phát triển khá tốt, tỷ lệ sống đạt 70 đến 80% đến thời điểm này.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh TT - Huế đánh giá, tiến độ đề tài thực hiện bảo đảm và quá trình sinh trưởng, phát triển của san hô tương đối tốt. San hô phát triển từ 5 đến 9 cm trên 1 năm theo từng chủng loại.

Hướng tới mục tiêu phục hồi thành công từ 2.500 tới 3.000 tập đoàn san hô với tổng diện tích trên 4 ha mặt nước tại vùng biển tỉnh TT - Huế, những tín hiệu tích cực từ mô hình thí điểm phục hồi rạn san hô đang cho thấy hướng đi đúng đắn của tỉnh TT - Huế trong công tác bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái biển nói chung. Với sự đa dạng, phong phú từ quần thể sinh học trong đó có hệ thống san hô còn nhiều tiềm năng để khai thác, nếu được thí điểm thành công, đây sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh nhà nhân rộng các mô hình phục hồi rạn san hô nhằm phát huy giá trị từ hệ sinh thái, qua đó tạo động lực để phát triển kinh tế - du lịch biển của địa phương.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh TT - Huế cho biết, nếu như quá trình phục hồi san hô tốt thì sẽ đóng góp cho nguồn lợi phục hồi thủy sản cũng như góp phần vào việc phát triển du lịch.

Ngoài những giá trị về sinh thái và mỹ quan thiên nhiên, san hô còn được xem là vườn ươm và là nơi cung cấp chỗ trú ngụ cho nhiều loài cá. Do đó trước thực trạng suy giảm san hô tự nhiên như hiện nay, việc bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô là vấn đề cấp bách của mỗi địa phương, góp phần vào việc bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển của Việt Nam nói chung cũng như TT - Huế nói riêng.

Ngọc Hiếu
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.714.796
Truy cập hiện tại 1.761 khách