Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung về biển, đảo, biên giới lãnh thổ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 36-NQ/TW) và Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 33-NQ/TW). Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc chấp hành pháp luật trong nước và các thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến biển, đảo và biên giới đất liền; củng cố sự đồng thuận, huy động sự tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ và vùng biên giới của đất nước. Đồng thời, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.
Yêu cầu đặt ra đó là: bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và sự phối hợp đồng bộ, thực chất, hiệu quả của các lực lượng làm công tác tuyên truyền và các địa phương, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền biển, đảo và biên giới đất liền trên địa bàn huyện. Nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, đa dạng hóa, hiện đại hóa các phương thức, loại hình, tối ưu hóa các lực lượng, các nguồn lực làm công tác tuyên truyền. Nắm chắc tình hình; kịp thời chỉ đạo, định hướng trong bối cảnh tình hình cụ thể khi có vấn đề phức tạp nảy sinh. Đấu tranh, phản bác hiệu quả với những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo, biên giới đất liền để kích động, gây chia rẽ, bất ổn trong nước, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
* Đối với công tác tuyên truyền biển, đảo
- Vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Việc triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến biển, đảo Việt Nam được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 36-NQ/TW, Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030, các văn bản khác của Đảng, Nhà nước liên quan đến biển, đảo Việt Nam…
- Lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo qua các thời kỳ. Nỗ lực và những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đấu tranh lâu dài bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Việc phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo và xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển, phát triển bền vững kinh tế biển.
- Nội dung, tác động của các văn bản pháp lý, quốc tế liên đến Biển Đông đối với Việt Nam. Việc tuân thủ nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Các hoạt động hợp tác quốc tế về biển, đảo. Những quan điểm, hành động của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông phù hợp với chủ trương, lập trường của Việt Nam; sự ủng hộ, tiếng nói tích cực của cộng đồng quốc tế, nhất là chính giới và học giả các nước. Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU.
- Gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong công tác tuyên truyền biển, đảo.
- Đấu tranh, phản bác với những yêu sách, quan điểm, hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của các quốc gia liên quan trong vấn đề Biển Đông; các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
2. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Lào
- Quan điểm, đường lối của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và chủ trương giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước hữu quan; các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến biên giới Việt Nam - Lào, nhất Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào (ký ngày 16/3/2016) và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào (ký ngày 16/3/2016), các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao, các thỏa thuận giữa các bộ, ngành; các cam kết, nội dung hợp tác thực hiện 04 Thỏa thuận đã ký kết giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh Salavan, Sekong, Champasak, Savannakhet giai đoạn 2022 - 2026.
- Quá trình xác lập đường biên giới Việt Nam - Lào, thành quả và ý nghĩa; công tác quản lý và bảo vệ biên giới nói chung và công tác quản lý, bảo vệ tuyến biên giới giữa Thừa Thiên Huế với hai tỉnh Salavan và Sekong nói riêng.
- Các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh; hợp tác giữa hai nước, giữa Thừa Thiên Huế và các tỉnh Nam Trung Lào cũng như của các sở, ban, ngành, đoàn thể hai bên; các hoạt động đối ngoại nhân dân khu vực biên giới. Tiềm năng, thế mạnh, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới; các cơ chế chính sách và triển khai các biện pháp tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp hai bên đầu tư vào khu vực biên giới. Các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc, an ninh trật tự khu vực biên giới.
- Định hướng trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đấu tranh, phản bác, không để các thế lực thù địch, lực lượng đối lập, phản động lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ để lôi kéo, gây chia rẽ mối quan hệ giữa các nước.