Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 11/2014
02/11/2014 8:35:PM

Tháng 11/2014, rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng; Thuế-Phí-Lệ phí; Công nghiệp; Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề; Khoa học-Công nghệ; Y tế-Sức khỏe.. có hiệu lực thi hành.

▀▄ Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

DOANH NGHIỆP ĐƯỢC THOÁI VỐN DƯỚI MỆNH GIÁ

Theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/09/2014 về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước, từ ngày 01/11/2014, việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán của doanh nghiệp Nhà nước phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định.

Cụ thể như: Hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn; việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận chỉ được thực hiện khi bán đấu giá không thành công (không có hoặc chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá) hoặc không bán hết số cổ phần, phần vốn Nhà nước chào bán qua đấu giá, trừ trường hợp bán thỏa thuận các cổ phiếu đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom với giá bán thỏa thuận theo quy định. Tiếp theo, doanh nghiệp phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định hiện hành; đồng thời, giá khởi điểm để tổ chức bán đấu giá công khai phải được xác định trên cơ sở kết quả của đơn vị có chức năng thẩm định giá, nhưng không được thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung.

Cũng theo Quyết định này, công ty cổ phần đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán hoặc đăng ký trên sàn giao dịch Upcom, nếu giá cổ phiếu niêm yết thấp hơn mệnh giá thì việc chuyển nhượng cổ phần thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật. Trường hợp thực hiện giao dịch thỏa thuận qua Sở Giao dịch chứng khoán hoặc sàn giao dịch Upcom thì giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

XÁC ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM CỦA TÀI SẢN BÁN ĐẤU GIÁ

Bộ Tư pháp mới ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BTP ngày 08/09/2014 hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/05/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trong đó, đáng chú ý là quy định hướng dẫn xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Cụ thể, giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được xác định trước khi ký kết hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá hoặc trước khi Công ty Quản lý tài sản thực hiện việc bán đấu giá. Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.

Đối với tài sản bán đấu giá là khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng theo giá thị trường thì Công ty Quản lý tài sản thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc tự định giá để xác định giá khởi điểm. Trường hợp khoản nợ xấu được mua từ tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt, Công ty Quản lý tài sản phải thỏa thuận với tổ chức tín dụng đó về giá khởi điểm. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định bán đấu giá tài sản, nếu các bên không thỏa thuận được, Công ty Quản lý tài sản có thể thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc tự xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.

Về việc lựa chọn tổ chức thực hiện bán đấu giá, Thông tư quy định, Công ty Quản lý tài sản có trách nhiệm công khai về việc thuê tổ chức bán đấu giá trong thời hạn 05 ngày làm việc trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trang thông tin điện tử của Công ty Quản lý tài sản để các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp có thể đăng ký tham gia. Việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp được thực hiện dựa trên các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, uy tín, thời gian hoạt động, số lượng đấu giá viên, số lượng hợp đồng đã bán đấu giá thành, phương án bán đấu giá, quy mô và cơ sở vật chất của tổ chức bán đấu giá...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2014.

CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ KHÔNG ĐƯỢC DÙNG VỐN HUY ĐỘNG ĐỂ ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Đây là một trong những nội dung quy định tại Thông tư số 146/2014/TT-BTC ngày 06/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Theo đó, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh, quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn. Đặc biệt, vốn kinh doanh dành cho hoạt động đầu tư tài chính của công ty quản lý quỹ phải từ nguồn vốn chủ sở hữu; nghiêm cấm việc dùng vốn huy động để đầu tư tài chính.

Cũng theo Thông tư này, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải duy trì các tỷ lệ an toàn tài chính, bảo đảm khả năng thanh khoản và tuân thủ các quy định liên quan. Việc bảo đảm an toàn tài chính được thực hiện thông qua hình thức mua bảo hiểm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư/quỹ dự phòng rủi ro và đền bù tổn thất; trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán; trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn; trích lập quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định đối với doanh nghiệp.

Trong đó, thời điểm trích lập dự phòng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ là cuối kỳ kế toán khi lập báo cáo tài chính quý, năm. Trường hợp không thể xác định giá trị thực tế của chứng khoán thì công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/11/2014 và được áp dụng kể từ năm tài chính 2014.

▀▄ Thuế-Phí-Lệ phí:

MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU 5 NĂM ĐỐI VỚI LINH KIỆN Y TẾ

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 54/2014/QĐ-TTg ngày 19/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý miễn thuế nhập khẩu đối với các linh kiện nhập khẩu cho dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp sản phẩm trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo trong thời hạn 05 năm kể từ ngày dự án bắt đầu sản xuất, lắp ráp.

Trong đó, linh kiện nhập khẩu phải là linh kiện trong nước chưa sản xuất được, dùng để sản xuất, lắp ráp các trang thiết bị y tế ưu tiên nghiên cứu, chế tạo của các dự án đầu tư sản xuất: Hệ thống chụp cộng hưởng từ; hệ thống chụp cắt lớp vi tính; hệ thống chụp mạch; máy chụp X-quang kỹ thuật số; máy điện tim; máy ghi điện não; dao mổ điện cao tần; máy hút dịch dùng trong phẫu thuật; máy thở, tủ ấm, tủ sấy; máy điện tim bỏ túi; máy đo huyết áp và máy đo đường huyết cá nhân...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2014.

NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRƯỚC 1/7/1994 KHÔNG PHẢI ĐÓNG THUẾ TNCN

Đây là một trong những nội dung mới, đáng chú ý được nêu tại Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/10/2014 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế.

Bên cạnh việc bổ sung quy định không thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người sử dụng bất động sản do nhận chuyển nhượng trước 01/07/1994 đã nêu trên, Thông tư này còn quy định trường hợp người sử dụng bất động sản do nhận chuyển nhượng trong thời gian từ 01/07/1994 đến trước 01/01/2009, nếu từ ngày 01/01/2009 nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì chỉ nộp 01 lần thuế TNCN của lần chuyển nhượng cuối cùng; các lần chuyển nhượng trước đó không bị truy thu thuế.

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua bằng văn bản, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán qua ngân hàng để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào; trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đặc biệt, trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì phải kê khai, điều chỉnh số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán tiền mặt.

Ngoài ra, Thông tư cũng chỉ rõ, người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian này; tuy nhiên, nếu việc tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2014.

CHO PHÉP GIA HẠN NỘP THUẾ TỐI ĐA 2 NĂM

Nhiều nội dung mới về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.

Trước hết, Nghị định này chỉ rõ, trường hợp dự án chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách Nhà nước sẽ được gia hạn nộp thuế tối đa 02 năm, kể từ ngày hết hạn nộp thuế; tuy nhiên, số tiền thuế được gia hạn không vượt quá số tiền ngân sách Nhà nước còn nợ (trước đây, doanh nghiệp chỉ được gia hạn nộp thuế tối đa 01 năm).

Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung một quy định mới về hình thức nộp thuế. Theo đó, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo. Đối với những doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý thì căn cứ vào báo cáo tài chính và các quy định về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý; đối với doanh nghiệp không phải lập báo cáo tài chính thì căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp hàng quý.

Trường hợp tổng số 04 lần tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán, tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý 04 của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với quyết toán.

Ngoài ra, cũng theo Nghị định, việc khai thuế theo quý sẽ áp dụng đối với người nộp thuế đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống; thay vì từ 20 tỷ đồng trở xuống như trước đây.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2014.

▀▄ Công nghiệp:

TRƯỚC 31/12/2015, CẤP THẺ AN TOÀN MỚI CHO NHÂN VIÊN VẬN HÀNH ĐIỆN Ở NÔNG THÔN

Theo Thông tư số 31/2014/TT-BCT ngày 02/10/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện, trước ngày 31/12/2015, người làm công việc vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, biên giới, hải đảo sẽ được huấn luyện và cấp thẻ an toàn điện mới thay thế thẻ đã cấp theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13/09/2006.

Thời gian huấn luyện tối thiểu 24 giờ đối với người lao động mới được tuyển dụng, huấn luyện lần đầu; 08 giờ đối với huấn luyện định kỳ hàng năm và tối thiểu 12 giờ đối với người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hay có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 06 tháng trở lên.

Tùy điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức huấn luyện riêng về an toàn điện hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy hoặc huấn luyện khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, chi phí tổ chức huấn luyện, cấp thẻ do người sử dụng lao động chi trả.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về trách nhiệm nối đất, theo đó, khi xây dựng nhà ở, công trình ở nơi đã có công trình lưới điện cao áp, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp nhà ở, công trình phải tự lắp đặt hệ thống nối đất hoặc có đơn đề nghị đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp lắp đặt hệ thống nối đất và phải chịu mọi chi chi phí. Trường hợp công trình lưới điện cao áp xây dựng sau khi đã có nhà ở, công trình, chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp sẽ lắp đặt hệ thống nối đất và chịu mọi chi phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2014.

ĐẤU NỐI VÀO LƯỚI ĐIỆN TRUNG ÁP TRONG VÒNG 10 NGÀY

Tại Thông tư số 33/2014/TT-BCT ngày 10/10/2014 quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, Bộ Công Thương đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trình tự, thủ tục thực hiện thỏa thuận đấu nối điện; quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nội dung về rút ngắn thời gian tiếp điện năng…

Trong đó quy định, đối với khách hàng sử dụng điện có trạm riêng đấu nối vào lưới điện trung áp, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của khách hàng, đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành đàm phán và ký thỏa thuận đấu nối. Tiếp theo, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đóng điện điểm đấu nối hợp lệ, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện vào vận hành chính thức cho khách hàng đề nghị đấu nối.

Trước ngày dự kiến đóng điện lần đầu và chạy thử, khách hàng đề nghị đấu nối phải cung cấp cho đơn vị phân phối điện 02 bộ hồ sơ phục vụ kiểm tra điều kiện đóng điện điểm đấu nối, gồm các tài liệu như: Hồ sơ hoàn công và nghiệm thu công trình; tài liệu thiết kế kỹ thuật sau khi hoàn thành thỏa thuận thiết kế với đơn vị phân phối điện và được thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền; tài liệu hướng dẫn vận hành và quản lý thiết bị của nhà chế tạo…

Trước ngày đóng điện lần đầu và chạy thử, khách hàng tiếp tục phải cung cấp cho đơn vị phân phối điện lịch chạy thử và đóng điện vận hành các trang thiết bị điện; thỏa thuận phân định trách nhiệm mỗi bên về quản lý, vận hành trang thiết bị đầu nối; các quy định nội bộ cho an toàn vận hành thiết bị đấu nối; danh sách nhân viên vận hành…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014.

ĐIỀU KIỆN THAM GIA THỊ TRƯỜNG ĐIỆN

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 32/2014/TT-BCT ngày 09/10/2014 quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ, cho phép tổ chức, cá nhân có Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện sở hữu nhà máy thủy điện nhỏ khi đấu nối vào lưới điện từ cấp điện áp 110kV trở lên được lựa chọn để nhà máy tham gia thị trường điện.

Để được tham gia thị trường điện, tổ chức, cá nhân phải đấu nối vào lưới điện từ 110kV trở lên; trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tham gia thị trường điện; cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của thị trường điện, ký hợp đồng mua bán điện phù hợp với các quy định của thị trường điện; đặc biệt, khi lựa chọn tham gia thị trường điện, bên bán không được lựa chọn lại việc áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện mẫu. Trường hợp bên bán đang áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và đã ký hợp đồng mua bán điện mẫu thì bên bán ký thỏa thuận với bên mua chấm dứt và thanh lý hợp đồng trước thời hạn theo đúng các quy định trong hợp đồng đã ký kết giữa hai bên và các quy định có liên quan do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Cũng theo Thông tư này, bên bán điện có trách nhiệm lắp đặt công tơ 03 giá phù hợp với các quy định hiện hành để đo đếm điện năng sử dụng cho thanh toán tiền điện; bán toàn bộ lượng điện năng trên thanh cái của nhà máy cho bên mua khi áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và gửi 01 bản hợp đồng mua bán điện đã ký về Cục Điều tiết điện lực chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ký; đồng thời, định kỳ vào tháng cuối cùng hàng quý, báo cáo Cục Điều tiết điện lực về tình hình thực hiện nộp tiền dịch vụ môi trường rừng của quý liền kề trước đó...

Thông tư này thay thế Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT ngày 18/07/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014.

▀▄ Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

GIẢNG VIÊN LÝ THUYẾT ĐIỀU DƯỠNG PHẢI CÓ TỐI THIỂU 3 NĂM KINH NGHIỆM

Ngày 02/10/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 33/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng Chương trình đào tạo điều dưỡng trình độ đại học, cao đẳng; trong đó, đáng chú ý là quy định về tiêu chuẩn đối với giảng viên giảng dạy lý thuyết và thực hành lâm sàng tại các trường đại học, cao đẳng.

Cụ thể, đối với giảng viên giảng dạy lý thuyết phần điều dưỡng trình độ đại học, phải có trình độ tối thiểu là thạc sĩ, có kinh nghiệm lâm sàng ít nhất 05 năm trong lĩnh vực chuyên môn và phải có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với người chưa qua đào tạo sư phạm). Đối với giảng viên giảng dạy lý thuyết trình độ cao đẳng, ngoài việc phải có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm như trên, còn phải có trình độ tối thiểu là đại học và có kinh nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực chuyên môn ít nhất 03 năm.

Đối với giảng viên giảng dạy thực hành lâm sàng, Thông tư quy định, giảng viên phải là những điều dưỡng viên và chuyên môn y tế khác, có trình độ tổi thiểu là đại học; thành thạo về lâm sàng và phương pháp dạy - học lâm sàng trong chuyên ngành của mình. Đặc biệt, cán bộ y tế tham gia hướng dẫn thực hành lâm sàng phải có trình độ tối thiểu là đại học; thâm niên công tác trong lĩnh vực chuyên môn tham gia hướng dẫn ít nhất 03 năm và phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm.

Cũng theo Thông tư này, trưởng khoa điều dưỡng ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Điều lệ trường đại học, cao đẳng, còn phải được đào tạo, bồi dưỡng, có kinh nghiệm quản lý và có bằng tiến sĩ điều dưỡng hoặc y khoa và có kinh nghiệm dạy học, lâm sàng tối thiểu 10 năm đối với đào tạo trình độ đại học hoặc bằng thạc sĩ điều dưỡng hoặc y khoa trở lên; có kinh nghiệm dạy học và lâm sàng tối thiểu 05 năm đối với đào tạo trình độ cao đẳng...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/11/2014.

▀▄ Khoa học-Công nghệ:

XEM XÉT CẤP THẺ THƯỜNG TRÚ CHO CHUYÊN GIA KHCN NƯỚC NGOÀI

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) tại Việt Nam và thành viên gia đình (bao gồm bố, mẹ, vợ/chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được cấp thị thực nhiều lần hoặc Thẻ tạm trú với thời hạn tối đa là một trong những chính sách nổi bật về thu hút cá nhân hoạt động KHCN tại Việt Nam tại Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/09/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam.

Đặc biệt, người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được Nhà nước tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước, trường hợp đang tạm trú tại Việt Nam sẽ được xem xét cấp thẻ Thường trú theo quy định của pháp luật; được tạo điều kiện cấp Giấy phép lao động theo quy trình, thủ tục rút gọn và được tạo điều kiện về chỗ ở hoặc hỗ trợ thuê chỗ ở trong thời gian tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam...

Đối với những chuyên gia có nhiều cống hiến đối với sự phát triển KHCN của Việt Nam, Nhà nước sẽ xem xét tặng danh hiệu khoa học danh dự, kỷ niệm chương vì sự nghiệp KHCN hoặc vinh danh, khen thưởng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị định cũng khẳng định, sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước đối với thành viên gia đình của người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Việt Nam.

Để được hưởng các chính sách thu hút nêu trên, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài phải có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; có công trình nghiên cứu KHCN xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ KHCN thực hiện tại Việt Nam; có bằng tiến sĩ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ KHCN tại Việt Nam hoặc có bằng tiến sĩ, đã làm việc trên 03 năm ở vị trí nghiên cứu KHCN tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về KHCN hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2014.

▀▄ Chính sách kinh tế-xã hội:

TĂNG GIÁ XĂNG PHẢI CÁCH TỐI THIỂU 15 NGÀY

Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 của Chính phủ thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu, từ ngày 01/11/2014, thời gian giữa 02 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp của thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá, thay vì 10 ngày như quy định hiện hành.

Nghị định cũng nhấn mạnh, khi điều chỉnh các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong 15 ngày, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về mức giá được điều chỉnh.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định hạn chế về quyền điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối. Theo đó, từ ngày 01/11/2014, thương nhân đầu mối chỉ được tự quyết định việc tăng giá bán lẻ xăng dầu khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó (theo quy định cũ là tối đa 7%); nếu giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối phải gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Cũng từ ngày 01/11/2014, thương nhân kinh doanh xăng dầu phải tổ chức kiểm tra định kỳ 06 tháng/lần các cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

DN ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC HỖ TRỢ 1 TRIỆU ĐỒNG/M2 XÂY NHÀ XƯỞNG

Theo Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 30/09/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, DN được lựa chọn hình thức Nhà nước hỗ trợ theo quy  trình đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành; để được hỗ trợ theo hình thức này, các nội dung hỗ trợ phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt thiết kế, dự toán hạng mục, công trình hoặc phê duyệt thiết kế tổng dự toán của cả dự án trước khi triển khai.

Đồng thời, DN có thể lựa chọn hình thức tự thực hiện; tức là DN tự phê duyệt thiết kế và dự toán theo quy định chung; tự phân chia hạng mục đầu tư, gói thầu; tự tổ chức thực hiện nội dung hỗ trợ. Theo hình thức này, DN sẽ được hỗ trợ theo định mức cụ thể như: 1 triệu đồng/m2 đường giao thông trong hàng rào dự án; 300.000 đồng/m2 nền bê tông khi san lấp mặt bằng; 1 triệu đồng/m2 khi xây nhà xưởng, nhà kho cao từ 5m trở lên; 2 triệu đồng/m2  khi xây bể chứa nước sạch; 3 triệu đồng/người khi đào tạo nguồn nhân lực trong 6 tháng…

Cũng theo hướng dẫn của Thông tư này, các dự án đã thực hiện trước ngày 10/02/2014 và đáp ứng các điều kiện ưu đãi, hỗ trợ thì sẽ được hưởng ưu đãi, hỗ trợ cho thời gian còn lại của dự án tính từ ngày 10/02/2014; không hỗ trợ và hồi tố chi phí đối với các hạng mục đầu tư, gói thầu đã thực hiện trước đó.

Thông tư  này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/11/2014; thay thế Thông tư số 06/2011/TT-BKHĐT ngày 06/04/2011.

▀▄ Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

LẤY Ý KIẾN ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH LAO ĐỘNG

Ngày 06/10/2014, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 27/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc cơ quan quản lý Nhà nước về lao động lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động (NLĐ), tổ chức đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) ở địa phương trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động.

Trong đó, đại diện của NLĐ ở địa phương được quy định là Liên đoàn Lao động cấp tỉnh; đại diện của NSDLĐ là chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động lấy ý kiến của các cơ quan đại diện NLĐ, cơ quan đại diện NSDLĐ nêu trên về các nội dung: Chính sách, pháp luật về lao động liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, NSDLĐ; văn bản pháp luật hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật về lao động do Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh ban hành; các giải pháp phát triển quan hệ lao động của tỉnh, thành phố; các biện pháp phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động; báo cáo định kỳ về tình hình quan hệ lao động tại địa phương…

Việc lấy ý kiến được thực hiện qua các hình thức như: Văn bản; thông qua tổ công tác, ban chỉ đạo, ban nghiên cứu mà tổ chức đại diện NLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ tham gia; thông qua các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn, hội nghị tham vấn mà tổ chức đại diện NLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ tham dự.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/11/2014.

▀▄ Doanh nghiệp:

DOANH NGHIỆP XẾP HẠNG TÍN NHIỆM PHẢI CÓ VỐN PHÁP ĐỊNH 15 TỶ ĐỒNG

Mức vốn pháp định của doanh nghiệp (DN) xếp hạng tín nhiệm đối với hoạt động xếp hạng tín nhiệm là 15 tỷ đồng là nội dung được đề cập tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/09/2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Mức vốn này chưa bao gồm mức vốn pháp định của các lĩnh vực kinh doanh khác mà DN được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, từ ngày 15/11/2014, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp  danh, có Giấy chứng nhận đăng ký DN, có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng 15 tỷ đồng; có Tổng giám đốc/Giám đốc; cổ đông hoặc thành viên góp vốn đáp ứng điều kiện theo quy định; có tối thiểu 05 lao động đáp ứng được tiêu chuẩn và điều kiện của thành viên Hội đồng xếp hạng tín nhiệm; tối thiểu 10 lao động đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện chuyên viên phân tích; có trang thông tin điện tử của DN; có phương án kinh doanh với các nội dung về kế hoạch nhân sự, kế hoạch kinh doanh..., có nhu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết các hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Cụ thể, cấm sửa chữa, tẩy xóa, giả mạo các tài liệu trong hồ sơ đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cho thuê hoặc chuyển nhượng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; đòi hỏi hoặc nhận tiền hay bất kỳ lợi ích nào từ tổ chức được xếp hạng tín nhiệm ngoài khoản chi phí dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết. Đặc biệt, nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để tham gia góp vốn thành lập DN xếp hạng tín nhiệm...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2014.

TÊN DOANH NGHIỆP KHÔNG ĐƯỢC TRÙNG VỚI TÊN DANH NHÂN

Ngày 01/10/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (DN) phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo đó, tổ chức, cá nhân đăng ký DN và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam khi đặt tên DN cần lưu ý không được vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc hay văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cụ thể, tên DN không được trùng tên danh nhân, trừ trường hợp tên DN được đặt theo tên riêng của người thành lập DN (trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân) và phải được đặt đầy đủ theo đúng họ, tên ghi trong Giấy khai sinh của người thành lập DN; trường hợp tên DN là tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối giữa các tên được ghép.

Đặc biệt, nghiêm cấm việc sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược; tên của những nhân vật lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; tên của giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc; sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, bôi nhọ tổ chức, cá nhân khác hay những từ ngữ thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, giới...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014.

▀▄ Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT TỪ 15 NĂM ĐƯỢC XÉT TẶNG “NGHỆ SĨ ƯU TÚ”

Ngày 29/09/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với các cá nhân hoạt động nghệ thuật.

Theo Nghị định này, danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” được xét tặng cho đối tượng đạt tiêu chuẩn: Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thì thời giạn này là từ 10 năm trở lên; có ít nhất 02 Giải Vàng quốc gia hoặc 01 Giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia.

Đối với danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, đối tượng được xét tặng phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thì thời gian này từ 15 năm trở lên; đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Ngoài ra, đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân” còn đều phải có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, nội quy của tổ chức, cơ quan, địa phương…

Danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được xét tặng và công bố 03 năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 02/09. Cá nhân được tặng các danh hiệu này sẽ được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng và tiền thưởng; hưởng các quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2014.

ƯU TIÊN ĐÀO TẠO CÁN BỘ VĂN HÓA LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư số 12/2014/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, khẳng định sẽ ưu tiên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số; đồng thời sẽ ưu tiên hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn cán bộ văn hóa biết sử dụng tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số ở các địa bàn khó khăn vùng dân tộc thiểu số.

Đối với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc thiểu số Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh sẽ hỗ trợ bảo tồn và phát huy tối đa, thông qua các hoạt động như: Ưu tiên đầu tư kinh phí cho các dự án, đề tài nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực của chủ thể văn hóa; có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ nghệ nhân, người tham gia hoạt động truyền dạy văn hóa nghệ thuật truyền thống; sưu tầm, xuất bản, giới thiệu văn học dân gian của các dân tộc thiểu số và sản xuất các tác phẩm điện ảnh phản ánh cuộc sống xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Về phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch tại vùng đồng bào, dân tộc thiểu số, nơi có tiềm năng phát triển du lịch sẽ nhận được ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế; ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch từ ngân sách Trung ương cho các vùng dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển du lịch; đặc biệt con em các dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên tạo điều kiện đào tạo đồng bộ về cơ cấu ngành nghề du lịch với các trình độ từ sơ cấp nghề đến đại học và sau đại học...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014.

▀▄ Bảo hiểm:

TỪ 1/11, HƯỞNG LƯƠNG HƯU MỚI KHÔNG PHẢI LÀM GIẤY TRUY LĨNH

Ngày 10/10/2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-BHXH sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), cho phép người hưởng lương hưu, trợ cấp qua tài khoản đến ký xác nhận ngay tháng sau liền kề của kỳ xác nhận thay vì làm Giấy đề nghị tiếp tục hưởng BHXH hàng tháng từ ngày 01/11/2014. Đồng thời, cũng bỏ Giấy đề nghị truy lĩnh số tiền chưa nhận đối với trường hợp người hưởng mới hoặc tỉnh khác đến, có những tháng chưa nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.

Cũng từ ngày 01/11 này, việc thu hồi thẻ BHYT của người lao động ngừng việc, di chuyển, nghỉ hưởng chế độ cũng có thể được thực hiện bằng hình thức trao đổi thông tin qua mạng Internet hoặc giao dịch hồ sơ điện tử để điều chỉnh số phải thu. Trường hợp gửi Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện bằng hình thức trao đổi thông tin qua mạng Internet, cuối tháng đơn vị phải chuyển thẻ BHYT cho cơ quan BHXH; chi phí khám, chữa bệnh BHYT phát sinh từ thời điểm báo giảm đến khi cơ quan BHXH nhận được thẻ BHYT do đơn vị, đại lý thu có trách nhiệm thanh toán.

Tương tự, từ ngày 01/11/2014, BHXH huyện ngoài việc cấp, ghi, xác nhận sổ BHXH cho người tham gia BHXH tại các đơn vị do BHXH huyện thu còn có trách nhiệm cấp lại bìa sổ BHXH cho người đã hưởng trợ cấp 01 lần, sau đó tiếp tục đi làm và điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH thời gian trước năm 1995, đối với các trường hợp in sai thông tin so với tờ khai của người lao động đã được cơ quan BHXH thẩm định...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

TỔ CHỨC ĐẠI LÝ THU BHXH, BHYT TẠI UBND XÃ

Ngày 01/10/2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH quy định về hoạt động Đại lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); trong đó Đại lý thu là tổ chức được cơ quan BHXH ký Hợp đồng Đại lý BHXH, BHYT, gồm: UBND cấp xã; đơn vị sự nghiệp; tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức kinh tế.

Để trở thành đại lý thu BHXH, BHYT, UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức chính trị - xã hội phải có tư cách pháp nhân đầy đủ; có nhân lực là người thường trú trên địa bàn xã; cam kết bồi thường khi để xảy ra thất thoát tiền thu hoặc gây thiệt hại cho cơ quan BHXH và người tham gia BHXH, BHYT; có phương án tổ chức Đại lý thu. Riêng đối với tổ chức kinh tế, ngoài phải có tư cách pháp nhân, có phương án tổ chức Đại lý thu, còn phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dịch vụ thu hộ - chi hộ hoặc đại lý thu - chi; có nhân viên do đơn vị quản lý; có chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng Đại lý thu của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp…

Đại lý thu chỉ được phép hoạt động sau khi ký Hợp đồng Đại lý thu với cơ quan BHXH. Hợp đồng sẽ chấm dứt trong trường hợp hết hạn nhưng không tiếp tục ký; một trong hai bên đề nghị chấm dứt hợp đồng; đại lý thu hoạt động không hiệu quả trong thời gian liên tục từ 03 tháng trở lên; hoặc có các hành vi vi phạm như: Giả mạo hồ sơ, chứng từ tham gia BHXH, BHYT; sử dụng biên lai thu tiền không đúng quy định; không nộp tiền hoặc nộp không đủ số tiền đã thu; có hành vi gian lận để lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

▀▄ Vi phạm hành chính:

XÁC ĐỊNH SỐ LỢI BẤT HỢP PHÁP CÓ ĐƯỢC DO VPHC

Theo Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2010 của Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính (VPHC) để bổ sung vào ngân sách Nhà nước, số lợi bất hợp pháp bao gồm tiền, giấy tờ có giá, tài sản và vật có giá khác; được xác định từ khi tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC đến thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có quyết định xử phạt VPHC hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Nếu số lợi bất hợp pháp thu được bằng tiền, căn cứ để xác định số tiền mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được do thực hiện hành vi VPHC bằng số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy nhân với đơn giá. Trong đó, số lượng hàng hóa hoặc khối lượng dịch vụ được xác định trên cơ sở kê khai của tổ chức, cá nhân vi phạm và kiểm tra, xác minh của người có thẩm quyền xử phạt; đơn giá được xác định trên cơ sở hồ sơ, chứng từ của tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ tương tự.

Số lợi bất hợp pháp thu được bằng giấy tờ có giá là toàn bộ giấy tờ có giá mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi VPHC và được xác định bằng tổng giá trị theo mệnh giá của từng loại giấy tờ có giá. Trường hợp giấy tờ có giá đã được chuyển nhượng, số lợi bất hợp pháp được xác định bằng tiền thực tế thu được từ thời điểm chuyển nhượng; nếu giấy tờ có giá đã bị tiêu hủy, thì số lợi hợp pháp được xác định theo giá trị sổ sách của tổ chức phát hành giấy tờ có giá tại thời điểm tiêu hủy.

Tương tự, nếu số lợi bất hợp pháp thu được bằng tài sản hoặc vật có giá khác không phải là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả nhưng đã được chuyển nhượng, tiêu thụ hoặc tiêu hủy trước thời điểm người có thẩm quyền ra quyết định xử lý thì sẽ được xác định bằng tiền tương đương giá trị thị trường của tài sản, vật có giá cùng loại hoặc theo giá trị sổ sách của tài sản, vật có giá nếu không xác định được giá trị thị trường… Nếu tài sản, vật có giá là hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đã được chuyển nhượng, tiêu thụ trước thời điểm có quyết định xử lý, số lợi bất hợp pháp sẽ được xác định là tổng số tiền mà tổ chức, cá nhân nhận được khi thực hiện chuyển nhượng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014.

▀▄ Xây dựng:

YÊU CẦU CHUNG VỀ AN TOÀN TRONG XÂY DỰNG

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 14/2014/TT-BXD ngày 05/09/2014 của Bộ Xây dựng, người lao động làm việc trên công trường phải sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định; công trường phải có sổ nhật ký an toàn lao động và ghi đầy đủ tình hình sự cố, tai nạn, biện pháp khắc phục và xử lý trong quá trình thi công.

Đối với người lao động làm việc trên cao, Thông tư quy định, phải có túi đựng dụng cụ đồ nghề, không được thả, ném các loại vật liệu, dụng cụ, đồ nghề trên cao xuống; không được thi công cùng một lúc ở 02 hoặc nhiều tầng trên một phương thẳng đứng nếu không có thiết bị bảo vệ an toàn cho người làm việc ở dưới. Khi làm việc trên cao (từ 02m trở lên) hoặc chưa đến độ cao đó, nhưng dưới chỗ làm việc có các vật chướng ngại nguy hiểm, phải trang bị dây an toàn cho người lao động hoặc lưới bảo vệ; nếu không làm được sàn thao tác có lan can an toàn, không cho phép người lao động làm việc khi chưa đeo dây an toàn.

Cũng theo Thông tư này, chỉ những người lao động được huấn luyện và đáp ứng các yêu cầu về bơi lội mới được làm việc trên sông nước; phải được trang bị đầy đủ thuyền, phao và các dụng cụ cấp cứu cần thiết khác theo đúng chế độ quy định. Đặc biệt, không được phép thi công khi chưa có đầy đủ các hồ sơ (tài liệu) thiết kế biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công, trong đó phải thể hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ; đồng thời, sau mỗi đợt mưa bão, có gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày, phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn trước khi thi công tiếp...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

▀▄ Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

LÃNG PHÍ NGÂN SÁCH SẼ PHẢI BỒI THƯỜNG

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước và người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xảy ra lãng phí, thiệt hại sẽ phải bồi thường là nội dung nêu tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/09/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Số tiền bồi thường thiệt hại được thực hiện bằng đồng tiền Việt Nam; xác định căn cứ vào Bản tường trình trách nhiệm của người có hành vi gây lãng phí; kiến nghị của Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại và được nộp 01 lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về bồi thường thiệt hại hoặc trả dần trong 12 tháng kể từ ngày có quyết định về bồi thường thiệt hại (nếu số tiền nộp lần một chưa đủ). Trường hợp không đủ khả năng bồi thường, người có nghĩa vụ bồi thường phải trừ 20% tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.

Đối với người có hành vi gây lãng phí đang điều trị tại các bệnh viện; trong thời kỳ nghỉ thai sản; thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác, Chính phủ cho phép được tạm hoãn thực hiện bồi thường. Thời gian tạm hoãn tối đa 06 tháng đối với người đang điều trị tại bệnh viện; đang trong thời kỳ nghỉ thai sản; gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo hoặc tối đa bằng thời gian tạm giam, tạm giữ đối với trường hợp đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận điều tra, xác minh về hành vi vi phạm khác...

Đặc biệt, tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức và hành vi lãng phí, biện pháp đã xử lý đối với người có hành vi lãng phí sẽ được công khai tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức; đưa lên Trang thông tin điện tử, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức hoặc thông báo trên các ấn phẩm báo chí của cơ quan, tổ chức hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

H. Sơn (theo www.thuathienhue.gov.vn)
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.963.882
Truy cập hiện tại 124 khách