Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Xây dựng huyện có nền kinh tế biển và đầm phá phát triển mạnh
24/07/2024 4:16:AM
Bờ biển huyện Phú Lộc dài trên 65 km, trải dài trên 9 xã và 2 thị trấn, ngoài ra có khoảng 11.400 hecta diện tích đầm phá, gồm hai đầm chính là đầm Cầu Hai và đầm Lập An. Khoảng 86.520 khẩu sống ở ven biển và đầm phá, chiếm 66,3 % dân số toàn huyện. Tổng số tàu thuyền là 2.951 chiếc, trong đó tàu thuyền khai thác biển 834 chiếc (khoảng 290 tàu đăng ký dữ liệu quốc gia).

Thời gian qua, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá theo hướng tích cực; chuyển từ sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có giá trị và hiệu quả cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình. Từ đó đời sống người dân vùng ven biển và đầm phá ổn định và ngày càng phát triển. Sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên năm 2023 đạt 8.070 tấn; trong đó, đánh bắt biển 6.075 tấn.

Tuy nhiên, kinh tế vùng biển và đầm phá vẫn thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; tăng trưởng kinh tế còn thấp, năng suất chưa cao, dịch vụ phát triển chưa mạnh, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hóa thấp. Dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu; chế biến thủy sản còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung... Một số lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chậm, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch biển có chất lượng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Với phương châm phát triển kinh tế biển và đầm phá phải trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đạt được, đồng thời rút ra những kinh nghiệm và bài học thực tiễn, tiếp tục xây dựng huyện có nền kinh tế biển và đầm phá phát triển mạnh.

Huyện sẽ khai thác và sử dụng có hiệu quả kinh tế cảng cá Tư Hiền kết hợp với quốc phòng. Tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ. Thực hiện cơ chế giao cho các cộng đồng ngư dân ven biển, đầm phá quyền khai thác và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý vùng biển dưới mọi hình thức. Sắp xếp và bố trí lại sản xuất thủy sản theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, đảm bảo phát triển bền vững. Vận động ngư dân phát triển đội tàu công suất lớn, đầu tư các thiết bị công nghệ tiên tiến đảm bảo có thể đi biển dài ngày nhằm tăng sản lượng và chất lượng hải sản đánh bắt và mở rộng ngư trường đánh bắt, gắn với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Mở rộng các loại hình dịch vụ bổ trợ phát triển nghề cá như cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền, cung cấp vật tư, thiết bị, ngư, lưới cụ; các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ thủy sản. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở các cửa biển, các vùng neo đậu tàu thuyền tránh bão. Xây dựng hệ thống quan trắc và dự báo thuỷ văn vừa phục vụ cho phát triển nghề cá, vừa đảm bảo quản lý vùng biển và ven biển của huyện.

Huyện cũng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và đầm phá với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ và tái tạo nguồn gen, phát triển các nguồn tài nguyên biển và đầm phá trong tương lai. Phát huy nhân tố con người, tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, nâng cao trình độ dân trí, thực hiện tốt các chính sách, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngọc Hiếu
       
CÁC TIN KHÁC
Xem theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 11.692.466
Truy cập hiện tại 237 khách