Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và Vùng kinh tế trong điểm miền Trung. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Thừa Thiên Huế - nơi có tiềm năng rất lớn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di tích lịch sử, văn hoá được UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế vẫn còn là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khiêm tốn, thiếu những dự án lớn mang tính động lực, đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2016, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp – xây dựng chiếm 34%; nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 10,7% và du lịch – dịch vụ chiếm 55,3%. Mặc dù, tỉnh đã đón trên 3,3 triệu lượt khách du lịch trong năm 2016 (tăng gấp đôi so với năm 2010) nhưng hiệu quả kinh tế ngành du lịch thật sự chưa cao, sản phẩm du lịch vẫn chưa đáp ứng nhu cầu du khách, thiếu các sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế; sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Thừa Thiên Huế.
Theo quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 03 sân golf, trong đó địa bàn khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có: (i) Sân golf Laguna Huế 18 lỗ thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc do Tập đoàn Banyan Tree Holdings Limited - Singapore đầu tư, (ii) Sân golf Lăng Cô 27 lỗ tại thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô đầu tư; địa bàn ngoài khu kinh tế có: (iii) Khu quần thể sân golf 18 lỗ và các dịch vụ kèm theo tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy do Công ty Cổ phần Thiên An đầu tư. Hiện nay sân golf Laguna Huế (i) đã đi vào hoạt động; Dự án Sân golf Lăng Cô (ii) đang thực hiện giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư; sân golf của Công ty Cổ phần Thiên An (iii) đã đưa vào hoạt động 9 lỗ golf, đang trong quá trình hoàn thiện đưa vào hoạt động 9 lỗ golf còn lại.
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới, đảm bảo sức cạnh tranh với các địa phương và khu vực.
Với mục tiêu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế sẽ thu hút trên 05 triệu lượt khách và đến năm 2030 là 07 triệu khách thì nhu cầu phục vụ cho vui chơi giải trí sẽ tăng nhanh; đồng thời, Thừa Thiên Huế đang tích cực kết nối để mở các đường bay thẳng đến các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan,… nên trong thời gian tới sẽ có sự gia tăng đáng kể lượng khách đến Huế, đặc biệt là khách quốc tế. Do đó, việc đầu tư xây dựng thêm các sân golf quy mô lớn (ngoài địa bàn khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô), gần thành phố Huế và sân bay Phú Bài đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách cũng như tổ chức các giải đấu golf quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Thừa Thiên Huế phát triển.
Để đạt được mục tiêu trên và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu đầu tư các khu du lịch tổng hợp mang tầm quốc tế vào tỉnh Thừa Thiên Huế, việc bổ sung 02 sân golf tại Thừa Thiên Huế (sân golf quốc tế Phú Vang tại xã Vinh Xuân – Vinh Thanh, huyện Phú Vang và sân golf Vinpearl Lộc Bình tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) vào Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 là vô cùng cấp thiết.
Nhà đầu tư Sân golf quốc tế Phú Vang tại xã Vinh Xuân – Vinh Thanh, huyện Phú Vang là Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, tổng diện tích dự án 140ha, quy mô 36 lỗ, tổng mức đầu tư 3.636 tỷ đồng. Sân golf Vinpearl Lộc Bình tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc có diện tích sử dụng đất 80 ha, quy mô 18 lỗ, tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Vinpearl.